Đào tạo Múa Rối, công việc cấp bách cho hôm nay và mai sau

01-01-1970 Lượt xem:

ĐÀO TẠO MÚA RỐI CÔNG VIỆC CẤP BÁCH CHO

 HÔM NAY VÀ MAI SAU

Họa sỹ, NSND Vương Duy Biên

Đặc điểm và tình hình của sự nghiệp Múa rối nói chung của cả nước hiện nay: Mỗi vùng, miền, địa phương đều có sự khác nhau,ví dụ như tình hình của Nhà hát Trung ương khác, các đoàn nghiệp dư của địa phương (còn gọi là các Phường) là khác nhau. Khác nhau về quy mô, về điều kiện, về tầm hoạt động (tình chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư), khác nhau về vùng miền và bản sắc văn hóa. Cho nên phải nói là tình trạng khác biệt, không đồng đều, diện mạo không được thống nhất, đương nhiên là diện mạo rất phong phú, nhưng trình độ chung không như nhau và tình trạng chung là thiếu những chuyên gia giỏi, thiếu những người tài… Để có những lực lượng đáp ứng cho những hoạt động chuyên nghiệp của Nhà hát Trung ương thì phải tính đến ngay một thế hệ khác, một lực lượng khác đủ sức kế tục sự nghiệp của Nhà hát và giúp đáp ứng cho yêu cầu của các Đoàn địa phương, các Phường, phong trào nghiệp dư (phong trào nghiệp dư bây giờ rất mở rộng như ở các tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ).

Thực trạng của Nhà hát Múa rối Trung ương là một ví dụ, hiện nay, sau 60 năm chúng ta đi đến một nhận định: Trước hết múa rối là một món ăn tinh thần rất độc đáo trong nền nghệ thuật sân khấu của chúng ta, đặc biệt lại là sân khấu dân tộc. Và qua 60 năm, chúng ta đã phát triển như thế nào? Chúng ta luôn có hai mảng rất rõ rệt đó là: dân tộc và hiện đại. Nếu nói đến tính dân tộc, thì rối nước, rối truyền thống của chúng ta có từ hàng nghìn năm nay và sau hàng nghìn năm phát triển, tồn tại cho đến ngày hôm nay, cần phải suy nghĩ đến thời gian tiếp theo sự tồn tại của Múa rối nước nó sẽ phát triển theo con đường nào? Và phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp. Có thể sau này thế hệ con cháu của chúng ta hàng nghìn năm sau sẽ chia ra giai đoạn phát triển của rối nước, từ năm thứ 1000 đến 2000 rối nước Việt Nam phát triển  thế này… và từ năm 2000 đến năm 3000 rối nước Việt Nam phát triển thế này… thế này…Vậy thì bây giờ, ở những năm 2000 này, những năm đầu thế kỷ XXI này, chúng ta bảo tồn lưu giữ và phát triển múa rối nước như thế nào? Theo tôi, việc lưu giữ, bảo tồn vốn quý của cha ông, chúng ta giữ nguyên, chúng ta bảo tồn như một thứ báu vật của cha ông ta để lại, giữ nguyên tinh thần cốt cách của nó, mặt khác phải phát triển như những năm vừa qua, chúng ta đã có mấy thử nghiệm: vẫn là rối nước, vẫn nhận ra diện mạo rối nước nhưng người ta lại được thưởng thức ở góc độ khác. Ví dụ như chúng ta đã làm vở "Đức Thánh Trần", chúng ta đã làm vở "Anđecxen" (chúng ta dùng câu chuyện nước ngoài) để kể bằng rối nước, rồi chúng ta lại thử pha trộn, kết hợp nhiều cái để làm như  “Hồn quê”, rõ ràng là trong rối nước, chúng ta có hai hướng phát triển sự nghiệp: Một là bảo tồn, lưu giữ và hai là phát triển. Và ở mảng rối cạn cũng vậy, nói rối nước là truyền thống thì rối cạn tôi cũng cho là truyền thống, một số tư liệu cho thấy có một số phường rối ở Cao Bằng hay Hà Tây có từ rất lâu đời, giống như rối nước, một mặt chúng ta vẫn duy trì và bảo tồn những vốn quý của rối cạn và mặt khác, từ năm 1956 đến giờ, Bác Hồ chỉ thị thành lập đoàn múa rối chuyên nghiệp, chúng ta có trách nhiệm phát triển một loại hình nghệ thuật học của quốc tế về rối cạn. Chúng ta đã kết hợp việc học tập, đào tạo ở nước ngoài những đạo diễn, họa sỹ, biên kịch… đã được học dài hạn chính quy ở nước ngoài nhưng chủ yếu là ở Cộng hòa Séc hoặc có thời gian chúng ta có các chuyên gia Nga, chuyên gia Cộng hòa Séc sang dạy cho chúng ta về rối cạn và để bây giờ chúng ta có một nền tảng một mặt bằng về rối cạn phát triển rất tốt. Vấn đề đặt ra là thời gian tiếp theo chúng ta đào tạo thế nào để có thể đảm đương được những vấn đề mà chúng ta nêu trên? Vừa bảo tồn, lưu giữ, vừa đảm bảo đủ trí lực, tài lực để phát triển, kể cả rối cạn lẫn rối nước.

Hiện nay, tình trạng chung của chúng ta là một mặt chúng ta vẫn dựa vào cái vốn có của chúng ta làm một sô các trò cổ gọi là “Chương trình rối nước cổ truyền”. Xuất phát từ các chương trình của các địa phương rồi tiến tới Nhà hát Múa rối Trung ương đầu tiên có sự biên tập, dàn dựng tương đối hoàn chỉnh, rồi một số Đoàn, Nhà hát khác cũng có thể dựa trên cơ sở đó làm khác đi một chút, ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh, Rối Hà Nội, rối Hải Phòng cũng có một chương trình rối nước cổ truyền, đương nhiên chương trình có khác nhau nhưng nhìn chung đều là một chương trình truyền thống, còn chương trình hiện đại, nhất là rối cạn, tình trạng chung là những tiết mục nhỏ lẻ đi biểu diễn lưu động. Có thể nói, tất cả các nhà hát của chúng ta đều chưa có rạp chính quy cho múa rối, đều thừa hưởng từ những cái rạp cũ, có chức năng khác và được cải tạo để làm, chưa có một cái rạp riêng cho múa rối, cho nên nhiều điều kiện, nhiều yếu tố kỹ thuật đã hạn chế việc tìm tòi, nâng cao, phát triển của kỹ thuật biểu diễn rối cạn. Mặt khác trong thời gian vừa qua, chúng ta hơi sao nhãng về vấn đề này, chúng ta chưa lo lắng rằng thế hệ các đồng chí được đào tạo ở nước ngoài, học tập chuyên gia mà nghỉ hưu hoặc thôi không làm việc nữa thì lực lượng trẻ, lực lượng hiện nay, chúng ta gánh vác sự nghiệp như thế nào? Một mặt phải đảm đương công việc hiện tại, một mặt phải nghĩ đến tương lai, kế hoạch dài hơn. Có thể phải nghĩ đến việc phấn đấu cho một nền nghệ thuật múa rối Việt Nam dân tộc và hiện đại, và nếu phấn đấu cho mục tiêu đó, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ: Thiếu những đạo diễn chuyên cho múa rối, thiếu những biên kịch chuyên cho múa rối, thiếu những họa sỹ chuyên cho múa rối, thiếu những người chuyên thiết kế về kỹ thuật cho múa rối, (cả cạn và nước), rồi cũng phấn đấu có những mỹ công chuyên cho múa rối thì mới giỏi, mới hay được, may những bộ quần áo, những phục trang cho múa rối nó khác với với may phục trang cho sân khấu người, rối đạo cụ, cảnh trí, kỹ thuật…âm thanh, ánh sáng chẳng hạn: Ánh sáng cho sân khấu người khác, ánh sáng cho sân khấu rối không có một chuẩn mực nào cố định, nó được biến ảo và có thể thay đổi, cũng như chúng ta đã thử đưa nghệ thuật sắp đặt vào múa rối, rõ ràng yêu cầu về ánh sáng phải khác, và phải diễn được, vừa phải tôn vinh cái đẹp, vì mỗi con rối xuất hiện là một tác phẩm, vì thế, tất cả những yếu tố liên quan làm đẹp, làm hay cho múa rối cần phải được chuyên sâu.

Từ các thực trạng trên tôi thấy chúng ta phải có những đề xuất và tôi đề nghị: Những vai trò để tạo thành tác phẩm múa rối, những vai trò đầu tiên, quan trọng như đạo diễn, biên kịch, họa sỹ, những nhà thiết kế kỹ thuật, thiết kế phục trang múa rối, đề nghị phải có kế hoạch đào tạo ở nước ngoài hoặc mời chuyên gia, hoặc chúng ta kết hợp cả hai. Cách đào tạo thứ ba là đề nghị cho anh em được đi tham quan, thực tập, tập huấn ở nước ngoài, những đất nước có nền múa rối phát triển. Ở đây, tôi nhấn mạnh đến việc đào tạo cho múa rối về phương diện múa rối hiện đại, còn truyền thống thì chúng ta không bao giờ đi học ở nước ngoài: Múa rối nước thì học ở Việt Nam, thế hệ nọ truyền thế hệ kia, cũng như ca trù: bây giờ học thì học ở đâu? Nếu biết truyền lại cho người chưa biết, các cụ nghệ nhân trước đây hát ca trù truyền lại cho lớp trẻ, lớp trẻ khi trưởng thành lại đào tạo lớp kế cận tiếp theo, múa rối nước của chúng ta cũng không đặt ra hướng đào tạo ở nước ngoài. Chúng ta củng cố, duy trì, bảo tồn để giữ bản sắc nguyên vẹn để sau này hậu thế xem được rối nước từ hàng nghìn năm nay vẫn giữ được cái hồn của dân tộc ta. Còn hướng đào tạo thì tôi đã trình bày nên có đào tạo nước ngoài, mời chuyên gia, tham quan, thực tế… để có những lực lượng kế cận, chúng ta phải tính đến năm, mười năm nữa kể cả những người ở lớp chúng tôi, có những người dần dần sẽ nghỉ, rồi các nghệ sỹ lớn tuổi phải chuyển giao mà chuyển giao thì đỏi hỏi những “máy cái” phải đủ năng lực, đủ trình độ, đủ kiến thức để hội nhập với nền múa rối chung của thế giới. Có thể hiện nay, xã hội chúng ta mới mở cửa, mới phát triển, nó đang ở mức độ này, của năm 2006 này, nhưng năm 2016 hay năm 2036 chẳng hạn, lúc đó, mức độ hội nhập quốc tế của chúng ta nó rộng hơn, giao lưu quốc tế của chúng ta rộng hơn. Về văn hóa, khi hội nhập, nước nọ ảnh hưởng đến nước kia, nó phát triển đan xen với nhau, giữa nền văn hóa nọ đan xen với nền văn hóa kia là chuyện bình thường. Vậy, nền nghệ thuật múa rối của chúng ta cũng vậy, không chỉ là chúng ta đi dự các Festival quốc tế nữa mà chúng ta phải có một bản lĩnh múa rối Việt Nam hoặc một tư cách để tổ chức một Festival tầm cỡ quốc tế, đủ sức để so sánh được nền nghệ thuật múa rối của chúng ta với những nền nghệ thuật múa rối khác. Đặt ra vấn đề đào tạo riêng cho múa rối lúc này, tôi cho là cũng hơi muộn, nhưng rất cần thiết. Bên cạnh đề xuất một số phương án đào tạo, tôi cũng mạnh dạn đề xuất: Ở trong nước chúng ta, hiện nay có một trường số một về đào tạo diễn viên, nghệ sỹ sân khấu, nếu có hẳn một khoa múa rối thì cũng hơi lãng phí vì nhu cầu chưa đến mức thành lập hẳn một khoa múa rối nhưng nếu như có những lớp hoặc những khoa đào tạo kết hợp với Nhà hát chúng tôi cho nghệ thuật múa rối thì tôi đề nghị nên thay đổi và có bổ sung, điều chỉnh về phương pháp đào tạo cho phù hợp hơn với nghệ thuật múa rối của chúng tôi. Và sau một thời gian, sau khi chúng ta đã có một thế hệ nghệ sỹ được đào tạo chính quy, bài bản, chúng ta phải hình thành một đội ngũ giảng dạy, tất nhiên là vừa phải làm việc vừa sáng tạo nhưng cũng phải có kinh nghiệm để giảng dạy thì sẽ kết hợp được, có thể nhà hát chúng ta là một khoa của trường để đào tạo nghệ thuật múa rối, ví dụ như kết hợp với các nghệ sỹ trong nước (tức là công tác tại nhà hát) và một số giờ, một thời điểm nào đó chúng ta mời chuyên gia nước ngoài, như thế việc đào tạo cho múa rối sẽ được nâng lên rất nhiều. Nếu đào tạo kết hợp với trường (về văn bản, bằng cấp phải kết hợp với trường), ở đây sẽ có một cơ sở vật chất rất đầy đủ, khang trang, tiện nghi, những giảng viên là nghệ sỹ của nhà hát cũng sẽ là những người rất giàu kinh nghiệm, tài năng, có thể kết hợp với những giờ của chuyên gia làm việc tại nhà hát. Tức là vừa lý thuyết, vừa thực hành, vừa được cọ xát với biểu diễn, với khán giả. Tôi cho đó là một cách đào tạo tốt. Hiện nay, chúng tôi đang có những thử nghiệm về đào tạo, ngoài hai khóa diễn viên chúng tôi gửi đào tạo kết hợp trong trường (đương nhiên trong trường bây giờ cũng chỉ đủ khả năng đào tạo diễn viên cho múa rối), trường cũng chưa đủ khả năng đào tạo đạo diễn, biên kịch, họa sỹ hoặc kỹ thuật cho múa rối được. Năm trước chúng tôi đã đề nghị và được Vụ Đào tạo chấp nhận cho chúng tôi mở một lớp kèm cặp, tức là: Chúng tôi lựa chọn trong số các em tốt nghiệp về nghệ thuật, ví dụ như một số em tốt nghiệp ở trường Sân khấu - Điện ảnh ra, chọn những em nào có khả năng hoặc yêu thích múa rối, chúng tôi tuyển và đưa vào thành một lớp rồi chia cho các Đoàn để các em được làm việc trực tiếp với việc biểu diễn múa rối, tiếp xúc, làm quen với múa rối và diễn cùng, chúng tôi gọi đây là một lớp kèm cặp, các em trực tiếp được làm nghề luôn. Tôi thấy dấu hiệu rất khả quan.

Qua cuộc Hội thảo này, tôi muốn rằng chính nhà hát của chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm và trường cũng có thể lắng nghe ý kiến của chúng tôi, ý kiến của một số các đồng chí nghệ sỹ khác về vấn đề này, các đồng chí lãnh đạo của Bộ, của Vụ đào tạo có thể cũng lắng nghe. Sau Hội thảo này, tôi cũng rất mong đạt được những vấn đề như sau: các đồng chí từ lãnh đạo đến những đồng chí có trách nhiệm ở Trường, ở Nhà hát, ở Vụ đào tạo có một nhận thức về sự cần thiết đào tạo lực lượng kế cận để duy trì, phát triển sự nghiệp múa rối, và đã nghĩ đến việc này thì phải có tính thực tế, tức là phải có những chủ trương, biện pháp, kế hoạch cụ thể để giúp chúng tôi sớm được yên tâm về những lực lượng kế cận của chúng tôi để phát triển sự nghiệp. Mong rằng những ý kiến, những đề xuất của chúng tôi được các đồng chí, các bạn lưu ý để tham vấn cho chúng tôi lên được một kế hoạch thực tiễn./.

Hợp tác với sở giáo dục Vĩnh Phúc hướng dẫn các cô giáo làm quen với múa rối

Hướng dẫn các cô giáo mầm non làm rối

Lớp diễn viên khóa II (1978 - 1981) 1

Lớp diễn viên khóa II (1978 - 1981)

NH hợp tác với chuyên gia Liên Xô năm 1978