Múa Rối Việt Nam trong quá trình hội nhập

23-07-2017 Lượt xem:

Những năm qua, múa rối đã được các nghệ sỹ nghiên cứu và tìm tòi những sáng tạo mới, nhằm phát triển múa rối lên một bước cao hơn, đáp ứng thị hiếu đa dạng của công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm tòi và thử nghiệm mới cũng đặt ra vấn đề bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

 

Thực tế hiện nay cho thấy, các nghệ sỹ Múa rối Việt Nam đã đưa được chú Tễu cùng những “cô cậu” ngộ nghĩnh từ đồng ruộng Việt Nam đi biểu diễn khắp năm châu. Với những trò diễn vừa vui nhộn vừa độc đáo, hấp dẫn, rối nước Việt Nam đã thực sự chinh phục khán giả nước ngoài và được khẳng định là môn nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Cùng với sự hội nhập, nghệ thuật múa rối đang dần được phát triển hòa nhập với hơi thở của thời đại. Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSƯT Vương Duy Biên, múa rối Việt Nam đã tham dự nhiều Festival văn hóa nghệ thuật trong nước và trên thế giới và đều được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, “có một điều là khi đưa múa rối tham dự các liên hoan nghệ thuật ở nước ngoài, biểu diễn xong, chúng tôi đều nhận được những câu hỏi kèm theo là ngoài chương trình này các bạn còn chương trình khác nữa không? Nghĩa là cũng có những nhu cầu lựa chọn những chương trình khác. Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi phải có những nghiên cứu tìm tòi, điều chỉnh nhằm đem lại cho du khách nước ngoài nhiều sự lựa chọn nhưng vẫn phải giữ được bản sắc”.
Hiện nay múa rối nói chung, rối nước dân gian nói riêng không chỉ dừng lại ở 16 trò diễn cổ mà nó đã được cách tân, đưa thêm yếu tố của nghệ thuật đương đại vào. Các chương trình múa rối được cải biên một cách mạnh dạn, nhiều vở mới được dàn dựng có không gian mở, phong cách diễn đạt đa dạng phong phú. Sự kết hợp sân khấu rối nước với sân khấu rối cạn, cùng với nghệ thuật sắp đặt, tính dân tộc mộc mạc với hiện thực đương đại hòa quyện đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật mới lạ, ví như các vở diễn Đức Thánh Trần, Truyện cổ Andecxen, Những giấc mơ bí ẩn của Tễu và Kangaroo... Đặc biệt, những vở diễn như Hồn quê - kết hợp múa rối với nghệ thuật sắp đặt, có nhạc điện tử (của Quốc Trung), có thơ (của Phan Huyền Thư) đã gây bất ngờ thú vị cho khán giả. Các diễn viên múa rối “lộ diện” khỏi tấm mành thủy đình. Ánh sáng rực chiếu mở thêm một lớp diễn mới. Các nghệ sỹ vừa múa rối vừa trình diễn động tác tạo hình về những hứng khởi của người nghệ sỹ sáng tạo ra những con rối có hồn từ những khúc gỗ vô tri... 

04-Cach-tan-908-300A2.jpg

Tuy nhiên, sự cải biên này không phải phường rối nào cũng có thể làm được và thành công. Hầu hết các phường rối hiện nay đang gặp khó khăn và họ đã làm mọi cách để hút khách nhằm thu lợi nhuận. Chính vì thế, việc giữ gìn bản sắc truyền thống đôi khi sẽ không được chú ý nhiều, trong khi việc duy trì hoạt động của các đoàn rối lại nằm ngoài tầm của địa phương. Ông Vương Duy Biên cho biết: “Chưa bao giờ việc phát triển các đoàn rối ở Việt Nam lại rộ lên như bây giờ. Phong trào rộng cũng tốt, sẽ có rất nhiều chương trình phong phú. Nhưng ngược lại, mặc dù hiện nay ở miền Bắc có khoảng hơn 20 đoàn rối nhưng chương trình cứ na ná nhau, rất nhàm chán”. Chính vì thế, bảo tồn múa rối như thế nào vẫn là câu hỏi đang cần được giải đáp. Theo ông Biên, cách tốt nhất để bảo tồn vẫn là ở ý thức của người dân.

04-Cach-tan-908-300A3.jpg

Ở tầm quốc tế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết: “Khi được xem múa rối Việt Nam, các đại sứ hay tùy viên văn hóa ở Việt Nam đều mong muốn được đưa rối của Việt Nam sang nước của họ để giới thiệu. Hiện nay trong các ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài chúng tôi đều đưa rối đi để giới thiệu và đi đến đâu cũng để lại ấn tượng. Đó là một điều đáng mừng cho múa rối Việt Nam”.