Nghệ thuật rối nước dân gian: Trăn trở Bảo tồn, Phát triển
Thời hội nhập, “khối ngọc quý” của cha ông- nghệ thuật rối nước dân gian đã được bảo tồn như thế nào và phát triển ra sao? Vì sao 30 năm qua vẫn quanh đi quẩn lại 16 trò cổ? Biểu diễn rối nước đang bị thương mại hóa làm mai một vốn xưa? Việc bảo tồn, phát triển có giúp “ngọc quý” lấp lánh hơn giữa thời hiện đại hay khiến “ngọc” lu mờ vì nỗi “gieo vừng ra ngô”?
Câu chuyện bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước dân gian không phải là mới. Thế nhưng, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập” vừa được Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát câu chuyện đó tiếp tục “nóng” lên trước những trăn trở đầy tâm huyết của các nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ sĩ, nghệ nhân…
Dập khuôn đến nhàm…
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tham luận tại hội thảo đều có chung nhận xét: ở đâu, chỗ nào có múa rối là ở đó quanh đi, quẩn lại 16-17 trò cổ do họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao xây dựng lại cách đây 30 năm (1986), trên cơ sở các tích trò cổ truyền của các phường hội dân gian xưa như: Tễu, công việc nhà nông, sự tích hồ Gươm, vinh quy bái tổ, múa tiên, cáo bắt vịt, vợ chồng thuyền chài… Thế nên, nhiều người lo ngại rằng cứ lặp đi lặp lại như thế sẽ dẫn đến sự nhàm chán: “Cứ biểu diễn mãi 16- 17 trò cổ ấy, thử hỏi khách du lịch sẽ xem lại múa rối nước mấy lần?”- NSƯT Lê Chức đặt câu hỏi.
“Các trò được nhân bản nhiều và dập khuôn giống nhau nên dẫn đến nhàm chán nội dung chương trình biểu diễn. Giống nhau từ kịch bản, đường nét biểu diễn, lời thoại nhân vật đến tạo hình con rối, âm nhạc thể hiện. Nó được làm lại theo dạng truyền nghề, dập khuôn máy móc, ít sáng tạo và “tam sao thất bản””- NSND Hoàng Tuấn- Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long nói.
Đi sâu thêm về tạo hình con rối, TS Lê Thị Thu Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng: “Về tạo hình chế tác quân rối của các đơn vị nghệ thuật đều do Trung tâm tạo hình con rối của Nhà hát Múa rối Việt Nam sản xuất và cung cấp. Do đó, các đơn vị nghệ thuật, dù có thay đổi đôi chút về tạo hình để phù hợp với cái riêng của mình, thì kết quả, 17 tiết mục cũng như quân rối, vẫn không có sự khác biệt, khiến cho người xem nhàm chán và các nghệ sĩ phần nào thiếu cảm hứng sáng tạo.”
Thực tế thì, trong dân gian, trò rối nước cổ được cha ông sáng tạo lên đến hàng trăm trò. PGS. Thế nên, TS Nguyễn Thị Minh Thái gợi mở cách bước ra khỏi sự dập khuôn, nhân bản: “Nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy Hồng đã sưu tầm được khoảng 250 trò rối cổ truyền. Lẽ nào ta lại quay lưng hoặc không khai thác tử tế những trò rối cổ truyền ấy làm phong phú kịch mục trò diễn?”
Dẫu vậy, có ý kiến băn khoăn về cách phát triển ở mỗi phường rối từ xưa đến nay thường nghệ nhân chỉ truyền trò bí truyền cho người tâm đắc còn nếu không để trò bí truyền mai một chứ nhất định không chịu cởi mở, giao lưu. Đấy cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các trò diễn cổ bị mai một trong khi chẳng thể góp phần làm phong phú thêm trò diễn giới thiệu cho người đời sau. Nhưng theo NSƯT Nguyễn Đức Thế- Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Tp Hồ Chí Minh thì: “Đã đến lúc 17 trò cổ kinh điển bão hòa, đi tới đâu khách trong và ngoài nước đã thuộc lòng. Song song đó, hiện nay vẫn còn một số trò cổ tồn tại ở các phường hội. Để tiếp cận, xã hội hóa “sòng phẳng” (tức là cần mua lại các trò diễn từ các phường hội) với các phường hội như thế nào để tiếp cận và bổ sung”. Có thể thấy, đây là điều nên làm khi khai thác vốn cha ông không chỉ đối với riêng nghệ thuật múa rối nước.
Bị thương mại hóa?
Ngay từ lời đề dẫn hội thảo, bà Ngô Thanh Thủy (Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam) đã thẳng thắn đề cập đến thực trạng: diễn rối nước phục vụ khách du lịch. Mặt tích cực thì lâu nay ai cũng thấy và luôn mừng cho rối nước- nghệ thuật cổ truyền duy nhất “sống” được nhờ trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo đối với du khách quốc tế. Thế nhưng, một mối lo khác đã xuất hiện: “Thực tế bao năm qua, nghệ thuật rối nước dân gian đang bị thương mại hóa- nhất là biểu diễn phục vụ khách du lịch, phát triển tùy tiện theo khả năng nhận thức và tài chính của mỗi đơn vị nên mờ dần bản sắc.”- Bà Thủy nhấn mạnh.
Trong khi đó, là nhà hát mỗi năm có cả nghìn suất diễn- Nhà hát Múa rối Thăng Long- nhưng NSND Hoàng Tuấn thẳng thắn thừa nhận: ““Tấm huân chương” nào cũng có 2 mặt. Giả sử một nghìn buổi cho mười chương trình thay đổi thì thật đáng quý, nhưng một nghìn buổi cho chương trình cố định điều đó lại khác”. Và, “…các nghệ sĩ mỗi ngày đảm nhận 5 đến 6 suất diễn, sức lực bị bào mòn, mệt mỏi nhàm chán tạo thành sức ì rất lớn. Và có lúc chính diễn viên họ trở thành những con rối, diễn như máy, không cảm xúc, chẳng thăng hoa gì cả. Tình trạng “lão hóa”đã xảy ra ở nhiều nghệ sĩ trẻ. Chúng tôi nhiều lúc nói đùa “trẻ mà nghỉ hưu nghệ thuật sớm”. Biết vậy nhưng vì kinh tế thị trường, vì cơn áo gạo tiền chẳng nhà hát nào dám bỏ bớt suất diễn.”
Cũng về vấn đề này, họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao nhìn nhận: “Do lúc nào cũng đông khách theo tour nên việc trình diễn có phần “dễ tính” và nới lỏng, chất lượng có phần sút kém. Sân khấu không còn là “thánh đường” nữa. Các nghệ sĩ có suy nghĩ diễn cho xong và diễn với sự “quen tay””
Trăn trở bảo tồn- phát triển
Rõ ràng, nghệ thuật rối nước dân gian Việt Nam là vốn quý cha ông để lại. Tuy nhiên, những năm qua, dù “ngọc quý” ấy được bảo tồn, phát triển, “Nhưng đáng tiếc “khối ngọc quý” chưa được chế tác tốt. Thậm chí do yếu kém nhiều khi thợ chế tác lại làm hỏng…”- Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao trăn trở.
Thực tế thì mươi năm qua đã có một số vở diễn, chương trình rối nước được dàn dựng khá đặc sắc như “Hồn quê”, “Truyện cổ Andersen”, “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, “Cây tre trăm đốt”, “Bay lên từ mặt nước”… Các chương trình, vở diễn này đều được xây dựng có cốt truyện, nhân vật, tính cách và có sự kết hợp mới lạ giữa nghệ thuật rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt, múa và cả âm nhạc vùng miền. Tuy nhiên, theo NSƯT Lê Chức thì: “Những đột biến đó chưa được coi là một “đầu ra” có tính thường xuyên và cần thiết chăng? Hoặc chỉ do là có dự án được hỗ trợ với tinh thần: dựng, mời xem, tạo dư luận và … “xong rồi thì thôi”.
Là người “kỳ cựu” của ngành rối, họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao đau đáu: “Sự phát triển rối nước đang rơi vào hội chứng “người người nhà nhà làm rối nước”. Các cơ sở ấy như người làm vườn, họ chỉ tìm cách làm ra một dụng cụ để hái quả, chọc quả nhanh nhất, thu hoạch nhiều nhất mà không hề nghĩ đến chăm sóc, bón tưới để có quả ngon ngọt, có nhiều giống cây mới cho trái quý hơn.”
Thậm chí, nhiều ý kiến còn dẫn chứng những câu chuyện “chế tác” nghệ thuật rối nước…chẳng giống ai. Như, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi cái cách cho người thật biểu diễn chung với con rối ngay trên sân khấu mặt nước ở một liên hoan sân khấu được tổ chức ở phía Nam là “điều oái oăm”. Hoặc như NSƯT Lê Chức kể rằng ông đã “sợ quá” khi thấy chuyện về phòng chống ma túy, xe mô tô công an chạy loằng ngoằng trên mặt nước khi đến xem một phường rối biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học.
Nguồn: Bài: Phạm Hồng Thinh. Ảnh: Paulus Huang