TỔNG KẾT LIÊN HOAN MÚA RỐI QUỐC TẾ LẦN THỨ 4 - HÀ NỘI 2015
Kết quả, giải thưởng cao nhất - Giải vàng danh giá được trao cho vở rối que "Vũ điệu hoa Quỳnh" của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Sự thành công của "Vũ điệu hoa Quỳnh" mang lại cho đạo diễn - NSƯT Nguyễn Tiến Dũng giải đạo diễn xuất sắc nhất và họa sỹ - NSƯT Vương Tất Lợi giải họa sỹ tạo hình xuất sắc nhất.
Ngoài ra, Nhà hát Múa rối Việt Nam còn gặt hái được hai Giải bạc với vở múa rối nước "Chuyện tình Dạ Trạch" và vở múa rối cạn "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh". Họa sỹ Duy Bằng giành giải thiết kế trang trí sân khấu xuất sắc nhất cho phần trang trí sân khấu vở "Chuyện tình Dạ Trạch"
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao 13 Giải vàng, 15 Giải bạc cho các diễn viên xuất sắc của 10 Quốc gia, cùng 6 Giải bạc được trao cho những vở diễn khác nhau. Giải thưởng về Âm nhạc xuất sắc nhất thuộc về Nhà hát Sovana Phum của Campuchia, Trang phục xuất sắc nhất thuộc về Nhà hát Múa rối bóng Moscow (Nga) với vở diễn "Kalinka Malinka".
Liên hoan cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tài năng múa rối trẻ, có diễn viên chỉ 6-8 tuổi, biểu diễn thuần thục, thu hút khán giả nhỏ tuổi. Đặc biệt chương trình của nhà hát Thái Lan, Nhà hát Anh, Nhà hát Roppets Philippin đã đưa các em lên sân khấu cùng diễn. Đoàn Múa rối Nga kết thúc bằng màn nhảy múa cùng với trẻ em rất vui vẻ và phấn kích… Điều này có tác dụng đưa nghệ thuật múa rối đến gần hơn với các em thiếu nhi, khiến các em thêm yêu thích môn nghệ thuật Múa rối.
Đạo diễn Ngô Quỳnh Giao - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 4 - Hà Nội 2015 đánh giá: "Điều nổi bật nhất của Liên hoan này, đó là các Nhà hát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Họ đầu tư về công sức cũng như thời gian cũng nhiều hơn cho chương trình tham gia. Chính vì vậy, sự bề thế cũng như thành công cũng lớn hơn. Bên cạnh đó, với Việt Nam, rối cạn thu được thành công, đó cũng là điều bất ngờ và rất đáng mừng".
Tại Liên hoan năm nay, Việt Nam với đại diện là 2 thành phố Hà Nội - Hải Phòng đã trình làng 7 vở diễn của 2 thể loại múa rối nước và múa rối cạn. Đây là những vở lớn, phức tạp, dàn dựng công phu với dàn diễn viên dày dạn kinh nghiệm. Đặc biệt, múa rối nước truyền thống đã được Nhà hát múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long mạnh dạn làm mới, thay đổi diện mạo thông qua 2 vở “Bay lên từ mặt nước” và “Chuyện tình Dạ trạch”. Vở múa rối cạn “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” là sự kết hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa Người và Rối. Đồng thời sân khấu được sử dụng nhiều không gian, nhiều lớp.
Ngoài tiết mục trình diễn tại Liên hoan, các đoàn còn tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân tại các tỉnh thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc, góp phần không nhỏ đưa bộ môn nghệ thuật Múa rối đến với đông đảo khán giả trong cả nước, để lại những kỉ niệm tốt đẹp.
Có thể nói, sau một tuần diễn ra sôi nổi và hấp dẫn, Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 4 - Hà Nội 2015 đã khép lại với nhiều niềm vui cho tất cả những người làm nghệ thuật của 10 quốc gia tham dự nói riêng, cũng như khán giả Việt Nam nói chung.