Nhà hát Múa rối Việt Nam: Xứng danh thương hiệu nghệ thuật quốc gia

Nỗ lực tìm kiếm thị trường biểu diễn, liên tục xuất ngoại và ghi điểm, tung ra những chương trình nghệ thuật với những hình thức thể hiện mới cho sân khấu múa rối; giữ hồn truyền thống bằng “Quê trong phố” để thu hút khán giả…
14-12-2017 Lượt xem:

Những nỗ lực của Ban giám đốc và tập thể cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã không chỉ mang lại thành tích kỉ lục về số buổi biểu diễn trong nước và nước ngoài, nâng cao đời sống và thu nhập mà còn mang lại cho đơn vị một không khí lao động làm việc sáng tạo đầy nhiệt huyết, giữ được vị trí xứng đáng trong lòng khán giả trong và ngoài nước cho môn nghệ thuật truyền thống rối.
Liên tục xuất ngoại ghi điểm
Năm 2016 thực hiện 12 chuyến lưu diễn tại 11 quốc gia, năm 2017 thực hiện 9 chuyến lưu diễn tại 9 quốc gia... Không chỉ là biểu diễn giao lưu mà Nhà hát còn tham gia nhiều hoạt động, liên nghệ thuật và múa rối như: LH Múa rối ASEAN (Thái Lan), Triển lãm thế giới Expo 2017 (Kaza¬khstan), LH Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 5 (Trung Quốc), Lễ hội Việt Nam (Nhật Bản), Lễ hội Gyeonggi Asia Arts (Hàn Quốc), LH Múa rối Quốc tế lần thứ 4 “Tea in Mytischi” (Nga), LH Múa rối ASEAN tại VN, LH Văn hóa quốc tế Festival de l’Imaginaire lần thứ 21 (Pháp)…
Những chuyến lưu diễn nước ngoài, Nhà hát Múa rối VN đã mang nghệ thuật độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè năm châu, góp phần tăng cường sự hiểu biết và gắn kết ngoại giao nước ta với các nước trên thế giới. Nhận những hợp đồng và lời mời đi biểu diễn liên tiếp ở nước ngoài cho thấy sự khẳng định của múa rối VN đã có vị trí trên thị trường nghệ thuật quốc tế.

Những năm trước khán giả quốc tế chỉ biết tới nghệ thuật múa rối nước truyền thống của VN nhưng gần đây, đơn vị đã mạnh dạn giới thiệu các chương trình rối cạn trong các chuyến xuất ngoại và hiệu quả là khán giả vô cùng thích thú đón nhận. Không dừng lại ăn sẵn ở những thành quả mà cha ông để lại, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Múa rối VN trong những năm qua và nhất là lực lượng nghệ sĩ hôm nay của Nhà hát đã và đang khẳng định được tài năng, tâm huyết đưa thương hiệu Nhà hát Múa rối VN luôn là một nhà hát đầu đàn, trụ cột của ngành múa rối phát triển vững vàng bằng cả “hai chân” với những chương trình, tiết mục đa dạng về thể loại và hình thức thể hiện cả về rối cạn và cả rối nước. Các vở diễn của ta đều có nội dung phong phú, đa dạng, mang thông điệp nhân văn sâu sắc. Năm 2016 và 2017, LH Múa rối ASEAN 2017 được tổ chức tại VN do Hiệp hội Múa rối ASEAN đánh giá cao và lựa chọn tổ chức liên hoan thường niên.

 Vở rối “Vũ điệu hoa quỳnh”


Nơi quy tụ những nghệ sĩ có đôi tay vàng

Hiện tại Nhà hát có ba sân khấu biểu diễn: Một sân khấu biểu diễn rối cạn và hai sân khấu biểu diễn múa rối nước (Sân khấu trong nhà và sân khấu ngoài trời). Bên cạnh đó là sân khấu múa rối lưu động sẵn sàng đáp ứng các hợp đồng biểu diễn trong và ngoài nước. Chương trình nghệ thuật của Nhà hát luôn được đổi mới, thích ứng với nhịp độ phát triển của xã hội.

Nhà hát đã thử nghiệm thành công một số vở diễn theo hình thức mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa rối nước và rối cạn, nhằm làm mới hơn, hấp dẫn hơn múa rối nước truyền thống. Nhiều tác phẩm Hồn quê, Truyện cổ Andecxen, Giấc mơ bí ẩn của Tễu và Kangaroo, Không gian trắng, Chuyện tình Dạ Trạch… đã mang đến một diện mạo mới cho múa rối nước truyền thống. Nhiều vở diễn, chương trình rối cạn với những thử nghiệm đầy mới lạ, hấp dẫn đã gây được tiếng vang, giành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan trong nước và quốc tế: Hồn quê, Truyện cổ Andecxen, Chuyện tò he, Hồn khí Thăng Long, Vịt con xấu xí, Trăng trẻ thơ, Aladanh và cây đèn thần, Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh, Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, Xúy Vân giả dại, Phù thủy sợ ma…

Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Nhà hát có được những thành tích như hôm nay là nhờ vào tâm huyết của tập thể nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên nói chung và đặc biệt là tài năng của các đạo diễn, họa sĩ và nghệ sĩ. Nhà hát không chỉ quan tâm tới công tác tổ chức biểu diễn mà còn luôn có những định hướng rất cụ thể, tập trung vào công tác chuyên môn và nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các chương trình”.

Nhờ định hướng rất rõ ràng mà Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn đi đầu bởi những sáng tạo mang tính thử nghiệm đột phá. Một loạt những đổi mới về nghệ thuật như mở rộng khai thác đề tài nước ngoài vào sân khấu rối nước truyền thống, tạo hình con rối, mở rộng không gian cho sân khấu rối, kết hợp nhiều hình thức thể loại rối trong một chương trình, tìm sự hỗ trợ đắc lực từ vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng… đã giúp cho những tiết mục, chương trình của Nhà hát Múa rối VN luôn tạo được phong cách nghệ thuật riêng.

Những ai có mặt tại các chương trình biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam trong chuỗi các chương trình nghệ thuật chất lượng cao được lựa chọn vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn mới thấy được sức hấp dẫn của nghệ thuật múa rối đối với khán giả như thế nào, không chỉ có khán giả nhỏ mà những khán giả lớn tuổi đưa con cháu đi xem cùng cũng suýt xoa khâm phục.

Đó là lý do mà các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn với các vở: Nhịp điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh, Aladanh và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt tinh đã tạo nên những hiện tượng lạ khi xuất hiện cảnh phe vé chạy đôn chạy đáo, tranh cướp người mua vé, bán vé…

Nhà hát có quyền tự hào khi có một lực lượng nghệ sĩ tài năng và tâm huyết để kế tục sự nghiệp của các thế hệ nghệ sĩ đi trước. Nghệ sĩ không chỉ có đôi tay vàng mà còn biết sử dụng sự sáng tạo thông minh, nhạy bén để tìm ra chìa khóa giải mã giúp cho nghệ thuật múa rối đứng vững và khẳng định thương hiệu trong cơ chế thị trường. Nghệ sĩ múa rối ở các nước thường chỉ điều khiển được một thể loại rối như rối que, rối tay… nhưng nghệ sĩ múa rối của VN thì điều khiển thuần thục nhiều thể loại rối nước, rối que, rối tay, rối bóng, rối dây…

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát cho biết: “Khi bắt tay vào dựng một chương trình, chúng tôi luôn đặt yếu tố đầu tiên là phải làm mới lạ, khác với những chương trình đã có. Một trong những yếu tố tạo nên phong cách cho các chương trình của Nhà hát chính là luôn tìm được những hình thức mới ở từng chương trình. Đơn cử như tác phẩm Vũ điệu hoa quỳnh, tôi và họa sĩ tạo hình con rối, NSƯT Vương Tất Lợi, Phó giám đốc Nhà hát đã bàn bạc để làm sao chương trình phải thật sự mang bản sắc văn hóa Việt mới tạo được ưu thế riêng. Mặc dù biết việc tạo hình các con rối bằng mây, tre là khó hơn nhiều so với những chất liệu như gỗ, mút... nhưng chúng tôi vẫn dùng chất liệu mây, tre để tạo hình con rối bởi hình ảnh cây tre hết sức gần gũi, thân thuộc với người VN, mang đậm hồn cốt VN”. Dám nghĩ, dám làm đó là lý do khiến Vũ điệu hoa quỳnh đã được trao HCV duy nhất cho tác phẩm, Giải đạo diễn xuất sắc, Giải họa sĩ xuất sắc và 4 HCV cho diễn viên tại Liên hoan Sân khấu Quốc tế lần thứ IV năm 2015.

Nhìn vào số lượng giải thưởng của Nhà hát giành được tại cuộc thi, liên hoan múa rối chuyên nghiệp, nhìn vào số lượng đêm biểu diễn năm nay lại vượt hơn năm trước chắc sẽ hiểu được yếu tố nào đã tạo nên sự thành công của Nhà hát. Nhà hát đã giành được nhiều giải thưởng cao quý cho chương trình nghệ thuật và các nghệ sĩ: Giải cho chương trình nghệ thuật hay nhất thế giới tại CH Séc năm 2002; Giải khán giả bầu chọn cho chương trình hấp dẫn nhất tại LH Sân khấu thế giới tại Trung Quốc năm 2013; Giải Quán quân thế giới tại LH Nghệ thuật Múa rối tại Thái Lan năm 2014; Giải vàng tại LH Múa rối quốc tế năm 2008, 2010, 2015.

Những năm gần đây, chương trình biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam vào tất cả các ngày trong tuần với 5 suất diễn: đã trung thành với việc sáng đèn cả 365 ngày với 3 suất/ngày. Ngoài việc nghệ thuật múa rối cổ truyền hữu xạ tự nhiên hương thì việc tiếp thị với các tour du lịch đã giúp Nhà hát đi đầu trong chiến lược giới thiệu nghệ thuật ra với bạn bè quốc tế.

Những con số ghi nhận về số lượng buổi biểu diễn trong và ngoài nước, những giải thưởng cao giành được trong các cuộc thi, liên hoan sân khấu múa rối chuyên nghiệp trong nước và quốc tế trong những năm gần đây đã minh chứng phần nào lòng say nghề và sự nỗ lực lao động nghệ thuật sáng tạo nghiêm túc, kiên nhẫn tìm tòi, mạnh dạn đổi mới, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã góp phần khẳng định vị thế xứng đáng là con chim đầu đàn trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn múa rối chuyên nghiệp bằng những chương trình chất lượng cao đáp ứng thị hiếu đa dạng ngày càng cao của công chúng.

Theo: http://baovanhoa.vn/