Phỗng lên đồng

20-07-2018 Lượt xem:

      Nhắc đến múa rối nước truyền thống, người ta chỉ nghĩ đơn thuần mấy con phỗng di động theo những làn điệu dân ca, một hoạt động văn hoá dành cho thiếu nhi, một nghệ thuật truyền thống dân gian của miền sông nước Việt biểu diễn nhân vụ mùa đã xong, người dân rảnh rỗi, mừng vui gặt hái thành công, chào xuân,... Thực ra múa rối nước Việt truyền thống đã có nhiều cách tân khi hoà mình vào văn hoá thế giới mở cửa.

     Khổ công vì nghệ thuật

          Bà Ngô Thanh Thuỷ, giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam biết tôi rất tò mò nguồn gốc nghệ thuật múa rối Việt Nam, đã nhiệt tình đưa tôi xuống làng Đào Thục (Đông Anh), một trong những làng có truyền thống múa rối nước vùng Bắc Bộ, một làng mạnh dạn phát huy văn hoá truyền thống đã đầu tư xây một sân khấu múa rối nước ngay cạnh đình làng. Một sân khấu trong không gian sống.

          Ở đây, nghệ nhân thường là nối nghiệp cha mẹ và mê múa rối. Một nữ nghệ nhân Đào Thục tâm sự: "Hồi nhỏ tôi mê múa rối nước, cùng lũ trẻ lấy bèo làm con rối và hát tự diễn cho nhau khi ra đồng lấy bèo chăn trâu. Nhờ có trò vui đó mà đứa nào cũng ham giúp đỡ cha mẹ, chịu khó ra đồng để có thời gian vui múa rối với nhau. Mấy thanh tre, cọc nứa, vài cánh bèo thế là thành buổi biểu diễn nhộn lắm. Giờ đứng tuổi, con cháu đã lớn, lên chức bà, tôi vẫn thích tham gia biểu diễn ở đình này". Niềm đam mê múa rối nước và lời ca đã ngấm vào máu của những người nông dân thuần nông. Đôi khi cả gia đình cùng làm diễn viên. Chị Thuỷ biết sự khó khăn của đoàn nghệ thuật thôn quê, đã sẵn sàng ủng hộ những con tễu, phỗng để giúp cho môn nghệ thuật dân gian không bị mai một do còn non yếu vì chưa được đánh giá cao.

          Xưa kia không có quần áo chống lạnh, chống nước thấm vào người, nghệ nhân phải dầm mình trực tiếp dưới nước để điều khiển con rối. Trời mưa, trời rét căm căm ở vùng chiêm trũng Bắc Bộ, họ cũng diễn vì hội làng và tình yêu nghệ thuật rối nước. Ngày nay với kỹ thuật hiện đại, diễn viên được trang bị một bộ áo có ủng liền chống thấm nước, nghệ nhân phụ nữ có thể thamgia ở bất cứ thời tiết nào. Tuy nhiên bàn tay khéo léo luôn không đi găng do đặc thù nghệ thuật đòi hỏi sự tinh vi và độ nhạy cảm cao. Người nghệ sỹ thổi hồn trực tiếp từ bàn tay khéo léo linh hoạt đến con rối nước.

     Múa rối thăng lên đồng

          Múa rối nước dần được nâng cấp từ ao làng nhỏ bé quanh giếng nước cây đa được đưa lên sân khấu với những cách tân nghệ thuật. Ngày nay diễn viên không chỉ là những người nông dân nữa, mà họ thực sự được đào tạo bài bản và mang tính sáng tạo, nâng nghệ thuật múa rối lên cấp quốc gia và bước vào sân chơi quốc tế rất khó với thông tin đại chúng thời@.

          Trước kia múa rối nước cũng như các đoàn ca múa Việt ra nước ngoài biểu diễn chủ yếu là giao lưu văn hoá trong quá trình hợp tác với các nước, chưa thu hút khán giả. Đoàn múa rối Trung ương giờ đây đã tham gia biểu diễn cả ở Pháp, đặc biệt ở Paris đánh dấu một sự thành công của loại hình của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này. Paris là thủ đô ánh sáng, thủ đô văn hoá châu Âu. Khán giả rất kỹ tính. Tiết mục phải hấp dẫn mới thu hút được khách. Điều ngạc nhiên, buổi biểu diễn bình thường bán vé không phải là buổi ra mắt miễn phí, nhưng khách rất đông, hơn 300 người ở ngay trung tâm văn hoá mới Porte la Villette Paris. Trở về Việt Nam, nhận lời mời của chị Thuỷ tôi đến xem buổi biểu diễn ngay ban ngày ở Việt Nam của nhà hát để so sánh. Thật bất ngờ, khách chủ yếu là người nước ngoài vì diễn vào giờ oái oăm, 17 giờ mọi người còn bận rộn công việc và chuẩn bị cơm chiều, đón trẻ...

          Vở diễn gây bất ngờ cho khán giả. Sức hấp dẫn mới ở đây không chỉ đơn thuần là mấy con phỗng mà sự kết hợp cả múa rối trên cạn và nước. Người và rối cùng diễn. Diễn viên giờ đây không chỉ vừa điều khiển rối và còn tham gia trực tiếp biểu diễn. Cái ảo, cái thật lẫn lộn tạo nên sức hấp dẫn mới. Đặc biệt sự cách tân lên đồng một nghệ thuật xưa kia được xếp vào loại văn hoá mê tín dị đoan, nay đã trở thành một bộ môn nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Từ những buổi lên đồng dân gian thành nghệ thuật đưa lên công diễn đòi hỏi một sự sáng tạo nghệ thuật, nhưng đưa lên đồng kết hợp hợp múa rối nước là một bước sáng tạo lạ hấp dẫn. Một sự thăng của những phỗng gỗ nhờ sự kết hợp tài tình của nghệ sỹ và kỹ thuật ánh sáng.

                              Vừa rối nước vừa diễn trực tiếp

Nhà hát múa rối quốc gia đã nâng chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật các vở diễn cổ như Phùng Hưng đánh hổ, Đánh cáo bắt vịt... Riêng tiết mục kết hợp rối nước và người diễn là một cách tân mới. Không gian ảo ảo thật thật, cõi âm dương như hoà một, người sống và người thật như một thế giới hoà đồng. Lễ thờ cúng tổ tiên cúng vọng hồn, nhập hồn như cuộc sống đời thực. Khói huyền ảo của hương bay giữa nước, như ảo ảnh cuộc đời vừa lãng mạn vừa huyền bí, khác với buổi diễn lên đồng thuần tuý trên sân khấu nơi khác. Hình ảnh cô nhập hồn không phải cô đồng thật, mà người nộm. Cái thực cái ảo hoà quyện hấp dẫn. Diễn viên luôn luôn ẩn đằng sau điều khiển nộm hình nhân. Sự ẩn ẩn hiện hiện càng thú vị khi người xem không biết là thật hay giả. Cuộc đời là thế. Mộng mộng mơ mơ. Khán giả nước ngoài rất thích vỗ tay hoan nghênh cổ vũ.

Nhờ sự canh tân và hiện đại hoá môn nghệ thuật dân gian, đoàn múa rối Trung ương đã tham dự nhiều lễ hội trên thế giới và đạt được kết quả khả quan vì tính đặc thù dân gian và khác hẳn múa rối cạn.

          Hy vọng sắp tới đoàn sẽ có nhiều tiết mục lạ, hấp dẫn như lên đồng để mang ra thế giới. Múa rối nước ra nước ngoài giới thiệu một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Việt cùng với hình ảnh về nước Việt có bề dày văn hoá và lịch sử, rất thân yêu, đầy quyến rũ với bến nước ao đình cùng con người và tâm hồn bay bổng đầy tính nhân văn sinh ra ở làng quê chiêm trũng. Chắc chắn với tài năng của các nghệ sỹ Việt, phỗng sẽ thăng vượt khỏi ao làng nhỏ bé tung tăng bơi lội trong đời sống của thế giới phẳng ngày nay.

 

                                                                                                                    Trần Thu Dung

                                                                                               Báo Văn hoá điện tử - Ngày 20/7/2018