Nằm trong khuôn khổ kích cầu các Nhà hát sáng đèn trở lại sau dịch Covid-19 của Bộ VHTTDL, tối 18/6, Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn vở "Thân phận nàng Kiều" tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều khá bất ngờ là tất cả ghế tại khán phòng của Nhà hát Lớn đã kín chỗ, đặc biệt sau khi vở diễn kết thúc, rất nhiều khán giả không khỏi xúc động và thích thú bật lên những câu cảm thán: "Quá tuyệt vời"; "Quá xuất sắc"…
Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VHTTDL đến xem vở "Thân phận nàng Kiều" diễn tối 18/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
Vở diễn "Thân phận nàng Kiều" dựa trên tác phẩm kinh điển "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du, được chuyển thể sang sân khấu múa rối mang đầy tính đột phá, sáng tạo và thử nghiệm mới dưới sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng.
Vở diễn tái hiện, khắc họa tính cách từng nhân vật chính một cách khác biệt, nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ múa rối khiến các nhân vật trong thơ gần gũi và sắc nét hơn trên sân khấu. Mọi tình tiết, cảnh trí trong vở diễn được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, không gian, ánh sáng trừu tượng, huyền ảo kết hợp với âm nhạc truyền thống xen lẫn với đương đại khiến khán thích thú và đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Nếu như ở những thể loại khác, Kiều được dựng theo trình tự tác phẩm văn học của đại thi hào Nguyễn Du thì ở "Thân phận nàng Kiều" này, Kiều không dựng theo thứ tự thời gian của "Truyện Kiều", mà chỉ chọn vài sự biến gay cấn nhất của đời Kiều, bắt đầu từ sự biến thằng bán tơ vu oan giá họa cho gia đình Vương Ông, khiến Kiều phải bán mình, hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ suốt 15 năm. Chuyện kịch kết thúc khi Kiều trẫm mình xuống sông Tiền Đường.
Đặc biệt hơn nữa, với múa rối truyền thống thì sẽ khó để hấp dẫn, truyền tải hết được nội dung của câu chuyện, khó để diễn viên có thể lột tả trọn vẹn tâm trạng oan ức, đau đớn của Kiều, cũng như của nhiều nhân vật khác.
Ngoài ra, sự thể nghiệm rối – người đã khiến người xem dễ hiểu, dễ nhập tâm hơn với số phận của nàng Kiều. Đặc biệt, với sự sáng tạo dàn đế của vở rối là hàng chục con chim lợn được tạo hình rất khéo léo và được diễn viên điều khiển, thêm câu thoại trong vở diễn khá hài hước, dí dỏm khiến không ít lần khán giả bật cười thích thú.
Nàng Kiều trong "Thân phận nàng Kiều"
Chia sẻ sau khi xem xong vở diễn, bạn trẻ Nguyễn Thị Thuỷ - trú tại quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi đã đọc truyện Kiều, tuy nhiên khi xem vở diễn "Thân phận nàng Kiều" tôi rất thích, bởi ở vở diễn múa rối này, nhân vật Kiều được khắc hoạ sinh động hơn, thân phận của nàng Kiều cũng dễ hiểu hơn. Thực sự quá tuyệt vời khi xem vở diễn này".
Còn bà Nguyễn Thị Huy Hoàng - trú tại Nghi Tàm, quận Tây Hồ thì cho biết: "Vở diễn quá hay. Nàng Kiều tôi chỉ mới đọc qua tác phẩm văn học và đây là lần đầu tiên tôi xem Kiều qua loại hình nghệ thuật múa rối. Tôi bất ngờ về vở diễn cũng như các diễn viên. Tôi không nghĩ rằng các nghệ sĩ múa rối có thể thể hiện quá xuất sắc các vai diễn, đặc biệt là vai diễn Kiều".
Ông Jeff Von der Schmidt, nhạc trưởng người Pháp
Ông Jeff Von der Schmidt - nhạc trưởng người Pháp thì cho biết: "Trước đó tôi không tìm hiểu và cũng không biết về cốt chuyện của vở diễn, nhưng khi xem các diễn viên biểu diễn thì tôi đã hiểu được câu chuyện của vở diễn. Tôi rất thích các diễn viên nhảy, thích âm nhạc, vũ điệu, các dải lụa trắng tinh trên sân khấu".
Diễn viên Thu Quế thì chia sẻ, đây là lần thứ hai chị đi xem vở diễn, trước đó tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm chị cũng đã được xem vở diễn này, và sau khi kết thúc vở diễn, cả khán phòng cùng hội đồng chấm giải đã lặng đi một lúc bởi vở diễn quá xuất sắc.
"Ngày hôm nay, tôi biết Nhà hát múa rối Việt Nam sẽ biểu diễn vở "Thân phận nàng Kiều", tôi đã rủ thêm những người bạn của mình đi xem. Ban đầu họ không muốn đi vì nghĩ múa rối chắc là theo kiểu truyền thống, rối nước dành cho trẻ con. Nhưng tôi đã thuyết phục và bảo vở múa rối này rất khác. Quả thật khi xem xong, các bạn tôi đều khen vở diễn hay, xem hấp dẫn.
Với tôi, các bạn đồng nghiệp đã diễn quá xuất sắc, xuất sắc hơn cả những diễn viên kịch nói. Cũng là diễn viên nhưng các nghệ sĩ múa rối, ngoài diễn xuất bằng hình thể, giọng nói thì họ đã phải vận dụng cách diễn đạt bằng hình thể gấp nhiều lần để lột tả tâm trạng, tính cách của nhân vật. Với diễn viên kịch, khi lên sân khấu biểu diễn, gương mặt sẽ là trọng tâm, là nơi để biểu cảm, thể hiện nhân vật. Nhưng với những nghệ sĩ múa rối, gương mặt đã bị che đi bằng khuôn mặt của con rối, điều này đã làm mất đi lợi thế cho họ. Nhưng với tài năng và diễn xuất của mình, họ vẫn truyền tải được nhân vật, tính cách, tâm trạng qua hình thể, giọng nói. Tôi cho đó là khó khăn nhưng cũng là tài năng của các nghệ sĩ múa rối", diễn viên Thu Quế nói.
Vở diễn "Thân phận nàng Kiều" sẽ tiếp tục được biểu diễn đêm thứ hai vào 20h ngày 19/6/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thanh Hà - danviet.vn