Khám phá mới lạ về Hoàng Thành Thăng Long trên sân khấu múa rối nước
Chia sẻ ý tưởng dựng đề tài Hoàng thành Thăng Long trên sân khấu rối nước, Giám đốc Nhà hát múa Rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Đây là một đề tài rất khó với chúng tôi, bởi để có thể kể hết được bề dày lịch sử của Hoàng thành – một di sản, một trong những biểu tượng Hà Nội là một điều rất khó. Nhưng vì chúng tôi yêu Hoàng thành, yêu Hà Nội, nên chúng tôi muốn xây dựng một vở diễn về di sản này. Nếu như những chương trình nghệ thuật khác khi tái hiện lại lịch sử của Hoàng thành sẽ có các nhân vật điển hình, có đối thoại, có câu chuyện nhưng với múa rối thì đó không phải thế mạnh.
Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam giới thiệu khái quát về lịch sử của kinh thành Thăng Long
Tuy nhiên, điểm khác biệt với sân khấu nghệ thuật khác là chúng tôi sử dụng múa rối nước – một vốn cổ của cha ông để lại cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi đã sáng tạo phát triển nó, không còn là câu chuyện dân gian nữa mà nó mang tính lịch sử, đưa thông điệp về giá trị văn hóa của một di tích đến với khán giả, đặc biệt khán giả thiếu nhi. Thông qua buổi diễn, các em nhỏ vừa có thêm kiến thức về lịch sử của Hoàng thành Thăng Long, vừa cảm nhận được nét đẹp của sân khấu nghệ thuật truyền thống, từ đó, giúp các em thêm yêu và có ý thức hơn trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta".
Kể chuyện Hoàng thành Thăng Long qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối nước
Trong các loại hình nghệ thuật dân gian, múa rối nước là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt độc đáo của Việt Nam. Vậy nên, trong vở diễn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam giới thiệu khái quát về lịch sử của kinh thành Thăng Long, tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng, những kiến trúc cổ được thể hiện qua hình tượng các linh vật như: rồng, phượng, rùa vàng... Những con rối tuy được làm bằng gỗ nhưng với sự thông minh cùng đôi tay khéo léo sáng tạo của người nghệ sĩ, những con rối gỗ trở nên vô cùng ngộ nghĩnh tươi tắn và sinh động khiến cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn.
Vở diễn được thể hiện qua hình tượng các linh vật như: rồng, phượng, rùa vàng...
Đến tham dự buổi biểu diễn, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: "Đây là một sản phẩm rất công phu, đặc biệt về ý tưởng, mặc dù vẫn được làm dựa trên những nét truyền thống nhưng đã có một cách tiếp cận mới trong biểu diễn, để khán giả trong nước và nước ngoài đều dễ dàng tiếp nhận được những văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tuy đề tài về lịch sử của Hoàng thành Thăng Long có thể đã cũ nhưng đây là lần đầu tiên khi nó được làm với nghệ thuật múa rối, từ mô hình, ngôn ngữ cách kể chuyện khác hẳn so với loại hình nghệ thuật khác".
Chương trình nghệ thuật hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả
"Trong chương trình, tôi nhận thấy các nghệ sĩ của nhà hát đã rất đầu tư, từ tạo hình con rối đến cách biểu diễn, đây là một sự nỗ lực lớn của nhà hát mà chúng ta cần phải ghi nhận. Và tôi nghĩ, chúng ta nên làm nhiều hơn nữa về những chương trình như thế này. Vì thông qua từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt múa rối đã giúp công chúng hiểu hơn về văn hóa dân tộc của Việt Nam, những trang sử được lật lại một cách nhẹ nhàng, tình cảm khi được kể chuyện thông qua ngôn ngữ nghệ thuật" - NSƯT Trần Ly Ly nói.
Những trang sử được lật lại một cách nhẹ nhàng, tình cảm khi được kể chuyện thông qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối nước
Vở diễn "Hoàng thành Thăng Long" do NSND Trịnh Thúy Mùi, Nguyễn Đức Minh, NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSƯT Hoàng Kim Thoa, NSƯT Thế Khiển, họa sĩ Ngô Thắng, NSƯT Đào Tuấn Hải, NSND Hồng Phong và tập thể nghệ sĩ diễn viên Đoàn nghệ thuật Truyền Thống của nhà hát thực hiện và biểu diễn. Nhà hát cũng hy vọng qua chương trình nghệ thuật này, các em thiếu nhi sẽ thêm yêu quý, trân trọng và tự hào về nguồn cội của mình, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc.
(Nguồn: Phương Nhi, báo Văn Hóa)
http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/san-khau/artmid/482/articleid/72070/kham-...