Trước đây nhiều lần đã có tranh luận trong 3 thành phần của nghệ thuật Múa rối: Kịch bản, Biểu diễn (gồm cả đạo diễn và diễn viên), Tạo hình con rối, thì thành phần nào quan trọng nhất? Mang tính quyết định cho một vở rối? Đương nhiên tốn nhiều công sức nhưng chẳng bao giờ phân được thắng thua. Vì bên nào cũng đưa ra được lý lẽ đầy thuyết phục. Tôi nghĩ chuyện này hồi kết của nó là như vậy. Nó hơi giống chuyện vui cho trẻ con: Hỏi cái đầu, chân tay và cái mồm thì cái nào quan trọng nhất?
Thay bằng lời giải đáp, qua đây ta thấy Tạo hình con rối trong vở diễn có sức nặng chiếm tới 1/3 sức nặng của vở.
Nói đến Hội nhập trong hoàn cảnh xã hội đang tiến lên, phát triển, nhu cầu của con người đòi hỏi cao. Đơn giản mà nói chúng ta phải đạt chất lượng nghệ thuật tốt nhất. Chúng ta có thiếu sót là ít quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của khán giả. Khán giả bây giờ ít thời gian (khách du lịch càng ít nữa). Vì vậy họ muốn thời gian ngắn nhưng nhận được nhiều thông tin, biết được nhiều điều hay. Nên học cách làm của hàng hóa: “3 trong 1” hoặc “2 trong 1”. Xem vở rối biết được cả truyền thống và phát triển. Lại được thưởng thức cả nghệ thuật điêu khắc qua các con rối.
Tâm lý đi xem nghệ thuật khán giả muốn được xem cái hay, đặc trưng và ngôn ngữ của bộ môn nghệ thuật đó. Vậy đặc trưng, ngôn ngữ của Múa rối nằm ở đâu? Chính nằm ở những con rối. Con rối là vũ khí của người biểu diễn, là đạo cụ của người làm ảo thuật. Nói như vậy, chúng ta phải coi trọng, chăm chút đến khâu chế tác con rối như thế nào. Cái hay của Múa rối cũng nằm ở sự hoạt động tài tình và bất ngờ của con rối.
Mà điều này phụ thuộc vào sự sáng tạo, thiết kế bộ máy con rối mà ta thường gọi là “giải phẫu bộ máy con rối”.
Nói đến rối nước, không thể bỏ qua yếu tố dân tộc. Nhiều khi chúng ta sợ cách tân, thay đổi làm hỏng mất đặc tính này. Sự thực không phải thế. Muốn phản ánh và đáp ứng được với thời đại mới, ta phải mạnh dạn thay đổi. Chỉ nói đơn giản chất liệu tạo hình con rối ngày nay rất phong phú và có nhiều ưu điểm. Không phải chỉ có “gỗ sung” và “ sơn ta” như ngày xưa. Tính dân gian, dân tộc bộc lộ mạnh ở cái hồn cốt, tinh thần, cảm xúc chứ không phải chỉ toát ra từ vật liệu. Nhiều công trình kiến trúc hiện đại rất thành công ở trong nước và cả ở nước ngoài được xây bằng bê tông, xi măng, cốt thép nhưng ai cũng nhận ra đó là của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam. Đặc trưng dân tộc ở những công trình này rất rõ nét, nổi bật, chẳng ai phủ nhận được.
Một điều khá quan trọng ở một con rối đẹp trước tiên nó phải là một con rối. Sau đó là sự độc đáo, phong cách tạo hình, sáng tạo. Rối nước phần nào đạt được tiêu chuẩn này. Bởi sự ngây ngô và phong cách ngây thơ của nó. Nhưng hình như chừng đó cũng chưa đủ thỏa mãn. Rối bì ảnh Trung Quốc, rối bóng Indonesia có đặc trưng và sự độc đáo mạnh mẽ hơn vì thế nó đẹp hơn.
Đạt được như vậy vì nó đã kế thừa nghệ thuật hàng trăm năm của dân gian nước họ. Như rối bì ảnh tiếp thu nghệ thuật cắt giấy độc đáo của Trung Quốc.
Còn chúng ta cũng có thể khai thác được trò chơi Tò he, những con giống xanh đỏ đồ chơi Trung thu để tạo ra những con rối có sắc thái. Khi đó những con rối của chúng ta chắc chắn sẽ đẹp hơn, dễ yêu và lung linh hơn.
Một suy nghĩ cũng cần phải xem xét lại. Đó là phải coi con rối nước là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, tạo hình chứ không phải chỉ là đạo cụ để biểu diễn. Do chất liệu gỗ không tốt lại hoạt động rất mạnh trong môi trường nước nên con rối rất mau hỏng. Để đáp ứng biểu diễn con rối phải được làm rất nhanh, cộng với giá thành kinh tế chưa hợp lý nên tình trạng con rối xấu, kém chất lượng, ít giá trị về mỹ thuật đang diễn ra. Lực lượng bổ sung để tạo tác con rối ngày càng ít và yếu, phần đông không được đào tạo. Nên vẻ đẹp và sự hấp dẫn của các con rối nước ngày càng yếu đi.
Muốn giải quyết tình trạng này cần phải có sự chuyển biến và can thiệp mạnh của người có trách nhiệm. Hy vọng nghệ thuật tạo hình sẽ tiến và đạt được nhiều thành công trong thời gian tới để làm tròn trách nhiệm là 1 trong 3 thành phần quan trọng nhất tạo thành nghệ thuật Múa rối. Xứng đáng với câu tôn vinh “Không có con rối thì không có nghệ thuật Múa rối” như chúng ta thường nói.
NSND Vương Tất Lợi