Đôi nét về tạo hình trong nghệ thuật rối Việt

Múa rối - một hình thức nghệ thuật của nhân loại mang tính đồng quy văn hoá, được hình thành và phát triển trên khả năng tự thân của nhiều dân tộc. Vì thế, nó rất đa dạng và yếu tố văn hoá dân gian cũng khá nổi trội. 
27-12-2011 Lượt xem:

     Chính từ yếu tố dân gian này mà nó trung thực, hồn nhiên, cụ thể ít triết lý và trong sáng. Với lối trình diễn đơn giản, nhưng cô đọng mang tính gợi ý khiến nó rất hợp với tư duy liên tưởng mênh mông, vì vậy không gian của nó thường gắn với nông thôn và thế giới suy tưởng trong sáng của trẻ thơ. Có lẽ, một trong không nhiều chuyên ngành của sân khấu phải có sự hỗ trợ đắc lực của nghệ thuật tạo hình múa rối. Người ta đã thấy múa rối Việt Nam thời xưa, nhiều khi, đã cầu viện tới cả ba lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc tượng và trang trí của ngành mỹ thuật. Thậm chí nhiều biểu tượng gắn với mỹ thuật cũng là biểu tượng sinh động của sân khấu múa rối. Những giá trị tạo hình trong sân khấu Rối đã góp một phần vào bước đi của lịch sử tạo hình dân tộc. Cụ thể là:

         1. Về kiến trúc: Trên thực tế, hầu như không có ngôi nhà riêng cho múa rối cạn mà phần nhiều chỉ có những thuỷ đình cho múa rối nước. Lịch sử đã nói tới ngôi nhà này từ khá sớm, nhưng trên thực tế thì hiện nay mới biết được kiến trúc dạng này mang niên đại sớm nhất (thông qua chạm khắc) có thể từ cuối thế kỷ XVII (được sửa lại vào đời Cảnh Hưng giữa thế kỷ XVIII), đó là thuỷ đình làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội), sau đó muộn hơn là thuỷ đình làng Nành (Ninh Hiệp - Gia Lâm) rồi chùa Thầy (Sài Sơn - Quốc Oai - Hà Tây), đền Sóc (Xuân La - Tây Hồ - Hà Nội)... Nhìn chung, ngôi thuỷ đình cũng như gác chuông của nhiều chùa rải rác trên khắp châu Thổ Bắc Bộ (Điềm Giang - Ninh Bình, Bối Khê - Hà Tây, Bút Tháp - Bắc Ninh và nhiều nơi khác). Cũng là toà phương đình dưới dạng kết cấu mặt bằng vuông, hai tầng tám mái mà chúng ta ngỡ như còn đọc được ở đó một tính cách triết học của kiến trúc. Rằng: cả toà nhà như tượng cho Thái cực, hai lớp mái như tượng cho Lưỡng nghi (mái trên nhẹ: dương, mái dưới nặng: âm), bốn phía mái cho Tứ tượng (Thái dương, thiếu âm, thái âm, thiếu dương), tám lá mái tượng cho Bát quái/quẻ (kiền: trời, khảm: nước, cấn: núi,, chấn: sấm, tốn: gió, ly: lửa, khôn: đất, đoài: đầm nước). Như thế, cách chọn mẫu nhà múa rối nước của tiền nhân không đơn giản chỉ là chọn một kiến trúc thích hợp, chỉ mang một chức năng để những người điều khiển con rối không lộ diện. Mà hơn thế, hầu như mọi nhà múa rối nước xưa đều nằm trên trục trung tâm là hồ nước trước một di tích thường được xác nhận là linh thiêng. Nó như hòn ngọc/tinh tú trước miệng rồng. Trong tạo hình cổ truyền, mọi đơn nguyên kiến trúc nằm trên trục linh đạo đều giữ một vai trò quan trọng đối với di tích đó, đặc biệt là ở phía trước. Chúng thường liên quan tới thần hoặc đạo. Cũng có khi cả đôi. Trở lại với thuỷ đình ở đền Phù Đổng. Trước hết đây là một kiến trúc có ngoại dạng rất đẹp, thân không cao, nhưng hai tầng mái với tám góc cong, khiến cho nó vẫn tỏ ra nhẹ nhàng, trong xu thế bay lên đầy chất trữ tình, uyển chuyển, nhịp nhàng. Người đương thời đã gia công cho nó một cách kỹ càng và tuân theo tinh thần truyền thống. Vẫn những bẩy và kẻ góc rất thấp (cách mặt đất ít hơn 1,5m), thành phần kết cấu mâp mạp. Đặc biệt là chạm khắc rất kỹ, trong đó con rồng là trọng tâm như vẫn phảng phất ý thức cầu nguồn nước, rồi phượng hàm thư, cá chép... Nổi lên trong hệ thống đề tài chạm khắc ở đây là hình tượng về con người, được điểm tới, trên hoạt cảnh ở hai tay chống kẻ góc. Cả hai đều trong thế nhìn nghiêng, một người đang ngửa mặt chĩa ống xì đồng về phía con chim, người kia vươn tay nắm chân sau con hươu, cả hai đề tài đều được thể hiện trên nền cây cối... Đáng quan tâm ở mạng chạm là hình tượng người đã gần gũi với những võ sỹ quen thuộc ở các đình cùng thời và mặt nào cũng phảng phất hình tượng của những con rối ngộ nghĩnh. Để minh hoạ cho hai mảng chạm này, người đương thời đã ghi rõ các câu chữ Hán  kèm theo là:

Trượng phu tùng tố tâm phùng mỹ lộc

Quân tử trúc ngưỡng diện xạ phượng hoàng

(Tạm dịch: Người trượng phu quyết tâm "nắm" được lộc đẹp, người quân tử ngửa mặt "bắn" chim phượng hoàng)

         Về sau, khoảng thế kỷ XIX trở đi, các thuỷ đình không còn được làm kỹ càng với toàn bộ khung tường bằng gỗ nữa, tường bao cũng chuyển dần sang xây gạch, và các đề tài chạm khắc cũng giảm dần, chỉ còn giữ lại hình tượng linh vật hoặc có khi chỉ bào trơn đóng bén. Tuy nhiên, chúng vẫn ở trước di tích với vị trí trang nghiêm trên trục trung tâm. Một giả thiết để làm việc được đặt ra là, đã có một thời rối nước ngoài mục đích sinh hoạt văn hoá thôn dã, chúng còn được người dân kính cẩn dâng lên cửa thánh để nhằm mục đích tôn vinh thần và thể hiện những ước vọng cầu xin của mình lên các đấng tối linh. Có lẽ trò diễn ở thuỷ đình của chùa, đền không phải mang tính thường xuyên, mà thường chỉ diễn ra trong một số ngày nhất định trong năm, nhất là ngày hội.

         Múa rối trong đó có rối nước đã khá thích hợp với người nông dân chất phác và nhất là với trẻ thơ, phải chăng vì con rối ngộ nghĩnh, cách diễn tả hồn nhiên, đơn giản, ít tình tiết phức tạp, lại thường có hậu. Có thể nghĩ múa rối là ngành nghệ thuật đậm chất dân gian. Gần đây, múa rối, nhất là múa rối nước, đã được chuyên nghiệp hoá với các tổ chức được sự bảo trợ của Nhà nước, nó phát triển mạnh mẽ và trở thành một bộ môn của sân khấu, có chỗ đứng vững trong hệ thống nghệ thuật dân tộc, các cuộc trình diễn ở trong và ngoài nước đã tạo được một tiếng vang thôi thúc lòng người Việt hướng về cội nguồn, về bản sắc văn hoá dân tộc, nó đã góp phần cho anh em bè bạn trên thế giới hiểu và yêu quý chúng ta hơn...

         Song, những sân khấu múa rối chuyên nghiệp cũng khó tránh khỏi sự "ngỡ ngàng" khi chìm trong ánh điện và bước ra ngoài không gian sinh thành của nó. Hình thức sân khấu nước của múa rối hiện nay giữa phông cảnh và con rối còn có sự chênh lệch rõ rệt, thiếu cân xứng. Phông được vẽ có phần còn tuỳ tiện, làm giảm tác dụng của nền nghệ thuật này. Nó chỉ như "bức màn" che cho những người điều khiển con rối. Nhìn vào thực tế, "ngôi nhà" này cũng nhỏ, hai tầng mái, song dáng bè bè, tỷ lệ giữa mái và độ cao của nhà thấp, nhất là thiếu sự duyên dáng, bởi bốn góc không cong, đầu đao có khi lòi ra một cách trơ trẽn, khiến nó có xu hướng như bị hút xuống mà thiếu sự bay bổng. Ngoài ra, ở một số chi tiết phụ cũng không được chú ý lắm, cụ thể như mấy bức y môn màu đỏ chưa được gia công kỹ càng, không nói lên được những giá trị biểu tượng tương quan của tạo hình. Mặt khác, hai bên của nhà rối lại còn hai cửa phụ (nhà nanh) cũng có mái giả, khiến cho chúng ta khó có thể định hình về ngôi nhà rối này mang cách thức của nhà hay cổng! Suy cho cùng, nếu như gia công nhà rối theo dạng một ngôi thuỷ đình được chọn làm mẫu thì có lẽ hiệu quả nghệ thuật sẽ tăng lên rất nhiều.

2. Về tạo hình con rối:

         Lịch sử dân tộc Việt Nam, trước thời tự chủ, không được ghi lại rõ ràng, nhất là ở lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Chỉ từ thời Lý, với một quốc gia ngày càng có kỷ cương, thì văn hoá dân tộc được dựng dậy, trong đó có xu hướng tôn trọng dòng văn hoá phương Nam chung của cả khu vực. Có thể thấy lịch sử đã ghi lại nhiều hình thức múa rối được sử dụng trong các ngày đại lễ của nhà Lý. Đại Việt sử ký toàn thư và bia Sùng Thiện Diên Linh (Long Đọi - Hà Nam) đã ghi rõ các con rối dưới thời nhà Lý có chim bay, muông chạy, chú tiểu đánh chuông, vũ nữ múa, người đánh trống, rùa vàng phun nước... Những chi tiết này cho thấy nghệ thuật múa rối đã có một bệ đỡ vững bền từ xữ hội bình dân, để tới lúc này được đưa vào cung đình phục vụ nhà vua, với những trò diễn khá tinh tế. Dưới thời Trần (Thế kỷ XIII - XIV) nghệ thuật này vẫn phát triển, đặc biệt là con rối đã tham gia vào chiến trận chống Nguyên Mông (Hà Đặc, tướng thời Trần, người thiểu số, đã làm quân rối khổng lồ để dọa giặc). Sau thời Trần, sự phát triển của triều đình quân chủ Nho giáo, khiến trò múa rối bị dời khỏi không gian thượng tầng mà hoà vào nơi thôn dã. Quân rối tham gia vào sinh hoạt văn hoá ở khắp mọi miền đất nước, đó là hình tượng ông Đùng bà Đà to lớn được đan bằng tre phết giấy vẽ hình (lễ hội làng Đông An - Hưng Yên), tuy đơn sơ nhưng hình tượng này vẫn biểu hiện về cặp uyên ương khởi nguyên... Rồi những quân rối khác ở đền bà chúa Muối (Thái Bình), hai chùa Keo (Thái Bình và Nam Định), chùa Thầy (Hà Tây) và rất nhiều nơi khác. Hình thức quân rối cũng đi vào trong sinh hoạt của nhiều tộc người thiểu số để phục vụ cho lễ hội và các ngày lễ linh thiêng. Có thể nghĩ tới bóng dáng quân rối được gặp trong một số đồ mã tương ứng như tứ linh, rắn. chim và cả con người... xuất hiện ở không gian văn hóa của người Thái, người Tày, Dao, Mán, Lôlô, Êđê, Bana, Khơme... Con rối còn hòa vào trong không gian tâm linh để làm đẹp lòng cả người sống lẫn các kiếp đời đã qua, như trong lễ đâm trâu, để biểu hiện cho tầng trên vừa tham gia vừa chứng giám ngày hội, người ta đã đặt đôi chim gỗ ván gần ở đầu gậy, rồi dùng dây giật cho cánh chim bay...

         Trở lại với những quân rối gỗ hiện còn tồn tại và đang sử dụng. Có lẽ sớm nhất là tượng Chân Thân của Từ Đạo Hạnh được đặt trong khám thờ chùa Thầy (khám có niên đại vào thế kỷ XVI). Tượng được làm bằng gỗ nhẹ, để mộc, đầu không tóc, tỷ lệ thân so với đầu khá lớn (khá cân đối), tượng có lắp chốt bản lề ở vai, hông, gối, khiến cho có thể cử động, đứng ngồi được. Nhiều người theo sự sùng kính mà xếp tượng vào niên đại từ thời Mạc (thế kỷ XVI) về trước. Song, về tạo hình, tượng khá cân đối, mặt thiếu thuần dịu, ít nhiều cơ thể đã vượt qua tính khái quát tượng trưng mà gần với thực, tượng có nhiều nét (trên tinh thần) gần phong cách tượng Từ Đạo Hạnh dưới dạng tăng đặt ở gian giữa cùng tòa nhà. Những sự kiện đó tạm cho phép ta có thể xếp tượng vào niên đại thế kỷ XIX. Ở nhiều nơi thuộc Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây... chúng ta cũng đã gặp nhiều đầu con rối dưới các dạng khác nhau với những mũ khác nhau, khuôn mặt mỗi người một vẻ, có mặt trái xoan bầu bĩnh, có mặt với các chi tiết nổi khối gồ ghề để nhấn mạnh bản tính hay uy quyền... tất cả đều có nét chân dung và đầy quý tướng... Vào những ngày hội người ta chỉ cần làm chiếc gậy cắm vào cổ tượng đồng thời gắn các chi tiết nhằm thay chân tay, có thể cử động được, rồi khoác ra một bộ quần áo tương ứng là đã được một nhân vật thích hợp cho ngày lễ.

         Hình thức này còn được phát triển với các mặt  nạ, mà điển hình cho sự trù phú và hạnh phúc, luôn tươi cười là mặt nạ ông Địa (trong múa sư tử, múa rồng...), rồi mặt nạ Tiên và Chằng rất chi tiết và khá đẹp của người Khơ me Nam Bộ...

         Vượt qua những trò rối dân gian phổ biến trước đây, như rối diều sáorối đồ chơi, rối pháo, rối bóng,... chúng tôi muốn dừng lại ở những con rối gỗ của hình thức rối nước, và cũng chỉ thoáng qua đôi nét về tạo hình. Trước hết có ít nhất hai vấn đề được đặt ra đó là:

         a. Đa phần các quân rối nước không làm lớn, thường chỉ vừa phải. Thực sự chúng không mang tính chất như tượng nhà mồ Tây Nguyên (quan niệm của người Tây Nguyên cho rằng khi chết con người thành ma sẽ có thân hình nhỏ, tượng mồ được gán cho linh hồn để hầu người đã chết, nên kích thước phải tương ứng) vì quân rối làm to sẽ nặng, không đảm bảo cân bằng và khó điều khiển.

         b. Trong tạo hình quân rối ít nhiều có theo truyền thống tạc tượng dân gian, chúng thoáng có nét của hình tượng con người trong nghệ thuật đình làng, song những động tác hoạt, vui chứa đậm tính chất tự nhiên dân dã phần nào bị giảm đi, thân phận con người như được định vị rõ nét hơn. Tuy nhiên quân rối vẫn đủ mức là một phần của nền tạo hình dân gian có truyền thống về hình thức vẫn lấy sự thuận mắt và giá trị biểu tượng làm trọng, vì vậy tác dụng trực cảm khá mạnh.

         Mặt khác, trong hệ thống quân rối cổ truyền, qua sách sử chúng ta như thấy phần nào gần gũi tự nhiên và thế giới siêu linh hơn, gắn với ước vọng mang nét khái quát và tính biểu tượng mạnh hơn. Có lẽ cũng như các mảng chạm trên đình, đề tài sản xuất còn khá hiếm, và các tiết mục thường vui có tính giáo dục nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Trong thời gian gần đây và hiện nay những quân rối trở nên cụ thể, động tác và trình diễn cũng cụ thể có phần đi sâu hơn về các tiểu tiết khiến người xem cảm thấy thích thú ở cái hay, khéo của kỹ thuật điều khiển, mà tính trừu tượng dân gian vì thế khó có điều kiện phát huy. Đó cũng là một thực tế trong sự phát triển cuộc sống xã hội.

         Có thể tạm nhìn nhận khái quát những con rối ngày nay, dưới dạng tạo hình, ở mấy nét như sau:

         - Về thành phần: Có cả thần linh (Phật, Thần, Tiên), linh vật (chủ yếu là tứ linh), các anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa, các hình ảnh sản xuất (ngư, tiều, canh, mục và nhiều hoạt động khác như cảnh xay lúa, giã gạo, dệt cửi, chăn nuôi...), rồi đấu vật, đấu kiếm, đấu mã, chọi trâu,...

         - Về màu sắc: Nếu trước kia thường dùng màu đỏ, hồng diện, đen, vàng ròng... với ý nghĩa riêng biệt của nó, thì tới nay màu sắc được sử dụng tùy theo kỹ thuật cho phép. Phần nhiều mặt người trở nên trắng hơn, quần áo nhiều màu sắc hơn, đạo cụ của con rối nhiều hơn và có lẽ kỹ thuật điều khiển có phức tạp, đa dạng hơn.

         - Về kích thước: Con rối hiện nay vẫn tuân thủ tính khái quát thuận mắt của người xưa nên vẫn giữ được tính ngộ nghĩnh đáng yêu với một vẻ đẹp đột ngột đầy xúc cảm... Trong đó về người đứng chỉ cao xấp xỉ từ 3 đầu tới 3,5 đầu, dáng đứng thường được các đường cong ở ngực bụng lưng và nhất là đa số tượng đều có vẻ đẹp hồn nhiên, sinh động, trữ tình, mềm mại...

         - Về cách tạo tác: Thông thường đầu và thân quân rối được làm trên cũng một thân gỗ, tay chân được gắn vào qua các chốt riêng để tạo sự cử động... Gỗ của rối nước chắc chắn phải nhẹ (sung, vông,...). Chính do những hạn chế đó mà hoạt động của rối có phần khó khăn, cứng (gần như rô bốt), song nó lại gợi cảm, tạo nên nét riêng khác lạ, hình người mà khác người, đó là điều đáng thích thú.

         - Về phục trang: Hầu như tất cả các nhân vật đều có quần áo bó sát người, vì lệ thuộc vào thân gỗ nên không thể mở rộng (thùng thình) được. Vua quan có cách phục trang theo lối thông thường gần với tượng Ngọc hoàng, tượng Hộ pháp trên chùa. Lính tráng thường đội nón dấu, vành không rộng hơn đầu bao nhiêu, áo nâu, quần lửng. Người lao động thường mặc áo cánh kiểu cổ, xẻ vạt giữa hoặc vạt chéo, thắt hầu bao hoặc thắt lưng, váy và quần thường ngắn. Nhiều người đàn ông khác (kéo lưới, chèo thuyền đua, đi cày, câu cá, chăn trâu,...) thường đóng khố cởi trần, đàn bà cũng có khi chỉ mặc yếm sồi và váy.

         Nhìn chung khuôn mặt và cơ thể quân rối của giới lao động đều tươi vui béo tốt, đôi khi khá ngộ nghĩnh, có pho rất hồn nhiên, nhưng có có nhiều pho đầy chất hài. Bộ mặt của tầng lớp trên và quân lính ít nét tươi tắn hơn, đôi khi thiếu sinh khí và có phần khô cứng... Phải nói rằng, những hình tượng của người lao động như đã có một truyền thống từ nghệ thuật đình làng, hình tượng Tễu hay những nhân vật tương tự đã không khác mấy tượng Cô và Cậu trên điện thờ mẫu, đó là những tượng đẹp cả về hình thể lẫn bản chất.

         Phải chăng, tạo hình của quân rối đã góp phần khẳng định thêm về bản sắc dân tộc của nghệ thuật múa rối.

                                                                                 Trần Lâm

                  (Bài viết in trên tạp chí Văn hoá nghệ thuật tháng 2 năm 2001)