Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tổng duyệt một chương trình rối cạn mới đặc biệt dành cho trẻ em và chương trình sẽ được “găm” đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6... Điều này cho thấy trẻ em luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu của Nhà hát mặc dù hằng ngày biểu diễn phục vụ khán giả nước ngoài và khách du lịch vẫn diễn ra đều đặn.
Chương trình Miền đất mới của chú bé rừng xanh được chuẩn bị công phu để ra mắt khán giả “nhí” vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6.2019
Làm nghệ thuật cho thiếu nhi cần đầu tư nghiêm túc
Chương trình mới mang tên: Miền đất mới của chú bé rừng xanh do đạo diễn, NSƯT Lê Hồng Hà dàn dựng đã khéo léo kết hợp với nhiều trò múa rối phong phú, nhiều màu sắc và khá hiện đại. Vở diễn hấp dẫn, náo nhiệt nhưng đằng sau đó cũng có giá trị giáo dục thiếu nhi trong việc bảo vệ môi trường sống. Đạo diễn, NSƯT Lê Hồng Hà chia sẻ sau buổi tổng duyệt: “Khi dàn dựng cho thiếu nhi, chúng tôi đã sử dụng những bài hát, điệu nhảy mà trẻ em yêu thích để tạo sự tương tác gần gũi hơn. Khi dàn dựng cho thiếu nhi chúng tôi không đứng ở góc nhìn của người lớn mà cố gắng đặt mình vào con mắt của trẻ thơ để dàn dựng sao cho phù hợp với sở thích của các em. Kịch bản cũng như hình thức thể hiện phải thật dễ hiểu và không mang nặng tính giáo dục hay ý nghĩa quá lớn lao. Càng dễ hiểu càng gần hơn với trẻ em. Quan trọng là phải vui, phải tạo được tiếng cười cho các em”.
Không nói ra nhưng bản thân các đạo diễn và nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối VN đều có “thoả thuận ngầm” đó là đã dựng rối cho thiếu nhi xem thì phải cầu kỳ hơn, sáng tạo hơn và vất vả hơn những chương trình biểu diễn thông thường. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối VN nhận định: “Rất nhiều người nghĩ rằng làm sân khấu cho thiếu nhi thì không cần phải đầu tư là rất sai lầm. Làm chương trình múa rối cho thiếu nhi cũng cần sự nghiêm túc, sáng tạo, hấp dẫn mà mang tính chuyên nghiệp cao. Đây là tiêu chí mà Ban giám đốc đặt ra trước khi xây dựng một chương trình cho các em. Nghệ thuật múa rối cũng như xiếc thường là những trò rối, những kỹ thuật điều khiển con rối quen thuộc. Phải thực sự nắm bắt được tâm lý của trẻ và dùng chính nhãn quan của trẻ em để dàn dựng thì chương trình mới hiệu quả. Vấn đề quan trọng chính là phải lựa chọn ngay từ đề tài cho tới hình thức biểu diễn, để rồi liều lượng thêm nếm cho các thể loại rối nào vào chương trình cho phù hợp, rồi tới khâu tạo hình, trang trí sân khấu cho tới chọn người biểu diễn…”.
Rối làm được những điều phi thường…
Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN cho biết: “Chúng tôi luôn xác định xây dựng các chương trình múa rối cho thiếu nhi phải thật sự hay, chất lượng để tạo nên thương hiệu riêng cho nhà hát vào những dịp hè phục vụ cho các em. Vào những ngày cao điểm, Nhà hát phục vụ hết tần suất với 11 suất/ ngày. Tháng cao điểm như tháng 6 thì đều đặn là 2 đến 3 suất/ngày. Chúng tôi rất mừng vì vài năm trở lại đây, có rất nhiều công ty, trường học, cơ quan đã tìm tới mua vé với số lượng cao để phát cho con em của cán bộ, công nhân viên hoặc học sinh đi xem. Đây là tín hiệu vui khi múa rối đang dần củng cố được vị trí trong lòng khán giả nhỏ tuổi”.
Trước đây, đề tài rối diễn cho thiếu nhi thường bó hẹp trong các câu chuyện cổ tích, dân gian thì những năm gần đây, Nhà hát Múa rối VN đã xây dựng một dàn kịch mục biểu diễn rất phong phú giành cho thiếu nhi với nhiều đề tài không chỉ cổ tích, dân gian, lịch sử mà còn đề cập tới những vấn đề của đời sống đương đại như bảo vệ môi trường hay những vở rối về đề tài khoa học viễn tưởng. Điều thú vị là sự kết hợp khá thú vị của nhiều loại hình nghệ thuật trong một chương trình, có chương trình kết hợp biểu diễn cả rối cạn và rối nước, có chương trình kết hợp rối với các loại hình nghệ thuật khác, đưa các các kỹ thuật hiện đại như âm thanh, ánh sáng, màn hình LED… Sự thành công gần đây của hàng loạt vở rối dài giành cho thiếu nhi như: Trê cóc, Đi phượt cùng bà lão đánh cá, Xứ sở hoạt hình, Aladin và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt tinh, Huyền thoại biển… đã chứng tỏ phần nào sự miệt mài, say sưa sáng tạo phục vụ khán giả thiếu nhi của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối VN. Bên cạnh việc đạt doanh thu cao thì rất nhiều vở diễn phục vụ thiếu nhi đã giành giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu múa rối chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế.
"Rất nhiều người nghĩ rằng làm sân khấu cho thiếu nhi thì không cần phải đầu tư là rất sai lầm. Làm chương trình múa rối cho thiếu nhi cũng cần sự nghiêm túc, sáng tạo, hấp dẫn mà mang tính chuyên nghiệp cao".
(NSND NGUYỄN TIẾN DŨNG, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối VN)
THUÝ HIỀN - Báo Văn hoá