Giá trị mỹ thuật hiện hữu ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống con người. Khi xã hội càng phát triển, giá trị mỹ thuật càng được trân trọng nâng niu.
Từ xa xưa, trong các công trình xây dựng đình, chùa, miếu mạo cho đến cung đình... tính chất và giá trị mỹ thuật cũng được hết sức chú ý. Tùy từng triều đại mà nhấn mạnh yếu tố nào, đề cao cái gì..., nhưng nhìn chung đều hướng tới cái chân, thiện, mỹ.
Và mỹ thuật trong nghệ thuật múa rối cũng không nằm ngoài những quan niệm và sự thể đó.
Những tạo hình của hàng trăm nhân vật: Từ tiên nữ đến thần dân, từ những con vật linh thiêng nhất (như long, ly, quy, phượng) đến con vật bé nhỏ và bình thường nhất như những con trâu, con cá, con bướm, con ếch..., từ những hoạt động chỉ có trong tưởng tượng (tình yêu của phượng, múa rồng phun lửa) đến những hoạt động của những người nông dân với cuộc sống thực sự, bình dị: xay lúa, giã gạo, cày, cấy... đều toát lên những giá trị mỹ thuật và thẩm mỹ cao đẹp.
Tuỳ từng trạng thái, nhân vật, tình huống, sự tưởng tượng... mà nghệ sỹ - nghệ nhân tạo hình con rối khác nhau cho phù hợp với bối cảnh. Tính mỹ thuật ở đây được gắn chặt với tính ứng dụng của sự biểu diễn.
Thuở xưa, khi múa rối mới ra đời, người nghệ nhân tạo hình thường theo hai khuynh hướng:
- Một là thấy sao làm vậy (với những người nông dân, thuyền chài, trâu, ngựa,...)
- Hai là tưởng tượng theo ý thức hệ (Phật giáo) tiên nữ, long, ly, quy, phượng,...
Cái rõ nét là dù ở dạng tả thực hay cách điệu thì chất Việt - tính dân tộc của mỹ thuật Việt bộc lộ rất rõ, không lẫn, từ dáng dấp kiến trúc đình làng đến kiến trúc cung đình. Từ chất sơn, vẽ, hom bó bằng sơn ta (tất cả từ trong ra ngoài) đến kiến trúc đơn sơ của nhà trò (thuỷ đình)...
Mỹ thuật trong múa rối khi ấy được ứng dụng vào trò diễn, được thể hiện qua nghệ thuật biểu diễn một cách rất tự nhiên, mang tính kinh nghiệm chứ chưa có lý luận, chưa được nghiên cứu... và như đã được xã hội hoá từ nhiều thế kỷ trước bằng sự tự ra đời, sự tồn tại, tự mày mò và phát triển (lúc đó không có những hoạ sỹ, những nhà phê bình, nghiên cứu - tất cả chỉ là một, người nghệ nhân, nông dân). Điều đó nói lên bản chất của nghệ thuật dân dã, nghệ thuật làng quê (giống như các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống,...) là tồn tại, trao truyền bằng kinh nghiệm và tri thức dân gian để dần tiến đến phôi thai của sự phát triển, trưởng thành của nghệ thuật múa rối hôm nay.
Chất hồn nhiên, ngây thơ, gần như là một đặc trưng, một trường phái dành cho nghệ thuật múa rối. Nó dễ dàng chấp nhận được ở trẻ nhỏ và người lớn. Mỗi thế hệ trẻ, mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau, nhưng cùng đạt đến một hiệu quả thưởng thức: vui vẻ, sảng khoái, nhẹ nhàng,...
Hiện nay mỹ thuật trong múa rối thường được các nghệ sỹ trau truốt hơn, mở rộng hơn vì trong hoạt động, cùng với rối nước còn có rối cạn và những loại rối khác. Hiệu quả mỹ thuật trong rối cạn mang yếu tố xã hội mạnh hơn, hiệu quả tinh thần và tác động xã hội cũng khác hơn... Đôi khi người ta thêm vào đó những yếu tố của triết lý, đạo đức, giáo dục mang tính thời sự, đương đại. Do phải luôn thay đổi theo từng địa bàn, từng đối tượng khán giả mà tiết mục phải có những sáng tạo nhạy bén, phù hợp.
Tạo dáng những nhân vật rối thường được cách điệu và nhấn một cách cô đọng (có thể là phản diện, có thể anh hùng, có thể là hề, là cướp, là dân,...). Thường một câu chuyện hay một trò không có nhiều thời gian nên sự xuất hiện rất nhanh đó phải có dấu ấn, dễ nhận biết, dễ phân biệt.
Người nghệ sỹ tạo hình trong sân khấu múa rối rất vất vả trong sáng tạo nhân vật, trò diễn, vở diễn, vì khác với sân khấu người (kịch, chèo, cải lương,...) là các diễn viên đóng các vai đều có sẵn, chỉ việc trên cơ sở đó vẽ, hoặc hoá trang thêm bớt, ít nhiều mà thành nhân vật của mình. Ở sân khấu múa rối, tất cả phải sáng tạo từ đầu, không có nhiều mẫu sẵn, phải tự hình dung (từ dáng dấp, kích thước, to béo hay gầy gò... rồi máy móc hoạt động ra sao để thấy được rõ được tính cách v.v...). Trong đó, đặc biệt phải bám sát mọi yếu tố từ kịch bản, từ đề cương tới gợi ý của tiết mục mà sáng tạo cho phù hợp, hiệu quả. Không gian diễn (cảnh trí) cũng phải sáng tạo sao cho đồng bộ với nhân vật của mình.
Có thể nói, yếu tố thẩm mỹ trong mỹ thuật múa rối còn mang tính định hướng. Các nhân vật thuộc hai thái cực chính - tà, thiện - ác... được phân định rất rõ ràng - hình khối, màu sắc, đường nét (trong múa rối ta thấy quân Lê Lợi rất khác quân Liễu Thăng... quân giặc thường da phải xám ngoét, xanh rì, hoặc đỏ gay. Ngược lại, nghĩa quân ta tướng mạo, da dẻ sáng sủa, đĩnh đạc... hay trong rối cạn, diện mạo của Thạch Sanh khác xa Lý Thông, hay Lý trưởng,... từ dáng dấp, màu da, vẻ mặt cho đến điệu bộ, đi đứng, nói năng...)
Mỹ thuật múa rối đóng góp một vai trò rất lớn trong sáng tạo cũng như hoạt động múa rối. Nó giúp một cách đắc lực cho người nghệ sỹ biểu diễn, gợi ý trước về cá tính nhân vật, gợi ý cho người biểu diễn những đặc điểm rất riêng của mỗi nhân vật trong một tiết mục.
Mỹ thuật trong sân khấu múa rối cũng là một phần của mỹ thuật sân khấu nói chung. Tuy nhiên, nó có sự phức tạp riêng của đặc thù nghề nghiệp, mà đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của người nghệ sỹ tạo hình. Để có được những vở rối, những con rối vừa có được nội dung phong phú, đa dạng vừa có giá trị thẩm mỹ, mỹ thuật cao, chúng tôi cho rằng ngoài việc nỗ lực bám sát thực tiễn, cố gắng sáng tạo, người nghệ sỹ tạo hình con rối phải có tri thức nghề nghiệp một cách vững vàng. Việc học tập kinh nghiệm của lớp nghệ nhân, học các lớp người đi trước theo phương pháp truyền nghề là điều rất cần làm. Nhưng cũng rất cần sự học tập có bài bản, có lý luận, có nghiên cứu để việc tạo hình con rối trang trí con rối, trang trí vở diễn đạt hiệu quả cao hơn. Vì lẽ đó rất nên tổ chức các lớp học về mỹ thuật trong múa rối, thậm chí đi xa hơn, tôi nghĩ nên chăng thành lập một khoa trang trí tạo hình cho múa rối tại một trường nghệ thuật nào đó? Đó là một việc nên làm và cần làm.
Họa sỹ Vương Duy Biên
(Bài viết in trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật tháng 2 năm 2001)