Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam

Sáu mươi năm, gần trọn một đời người, nhưng so với thời gian của lịch sử thì quả là rất ngắn ngủi. Sáu mươi năm để xây dựng một ngành nghệ thuật thì cũng không phải là thời gian quá dài. Nhưng với thời gian đó, thật sự mà nói Nhà hát Múa rối Việt Nam đã làm nên một kỳ tích.
01-01-1970 Lượt xem: 11

NHÀ HÁT MÚA RỐI VIỆT NAM

60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngô Thanh Thủy

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam

Sáu mươi năm, gần trọn một đời người, nhưng so với thời gian của lịch sử thì quả là rất ngắn ngủi. Sáu mươi năm để xây dựng một ngành nghệ thuật thì cũng không phải là thời gian quá dài. Nhưng với thời gian đó, thật sự mà nói Nhà hát Múa rối Việt Nam đã làm nên một kỳ tích.

Nhìn lại ngày đầu thành lập, nhà hát vẻn vẹn có 7 người, chỉ có nhiệt tình, nghề nghiệp, chuyên môn còn hạn chế. Được truyền nghề ngắn ngày của Đoàn rối Tiệp Khắc, các nghệ sĩ đã tự mầy mò dựng được một số tiết mục nhỏ, như: “ Trẩy hội mùa”; “ Em đi tìm Đảng”; “ Con thỏ ngọc”; “ Cu tý chăn trâu”; “ Ai làm chủ”; “ Diệt sói lang”. Được khán giả cổ vũ, khen ngợi các nghệ sỹ mạnh dạn dựng những vở dài và lớn hơn., “Thạch Sanh”; “Phù Đổng Thiên vương”; “ Đường ra biển Đông” lần lượt ra đời. Các vở này tồn tại lâu dài, diễn được hàng vài trăm buổi và còn in nặng dấu ấn trong ký ức trẻ thơ hồi đó.

Từ 1973 trở đi không thỏa mãn với hình thức gò bó hạn chế của sân khấu rối truyền thống có tính cổ điển, nhà hát đã tiến thêm một bước, đó là nâng khả năng biểu hiện của sân khấu rối: Đa dạng các loại rối, mở rộng không gian, thời gian của sân khấu, tìm cách giải phóng hoạt động của con rối nhằm để sân khấu Rối hấp dẫn hơn, mới hơn và truyền tải được nhiều thông điệp hơn. Tiêu biểu là các vở “Mây và Thần chết”; “ Chuyện của Trái đất”; “Cậu bé làng Gióng”; “Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh”; “ Vũ điệu hoa quỳnh”.

Không bỏ quên loại hình độc đáo có một không hai trên thế giới là Rối nước, năm 1984 Nhà hát đã sưu tầm, nâng cao, tập hợp được chương trình rối nước truyền thống, dân gian gồm 16 trò cổ. Chương trình được mang đi giới thiệu khắp thế giới, được bạn bè đón nhận và nhiệt liệt hoan nghênh. Không dừng lại ở di sản cổ ông cha để lại, Nhà hát đã tập trung trí lực, dựng những vở rối nước dài, lớn nhằm đổi mới bộ mặt rối nước và phát triển, khai thác bộ môn này. Những vở “ Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Dionisus”; “ Giấc mơ của chú Tễu và Kangaroo”; “ Đức Thánh Trần”, “Hồn quê”; “ Truyện cổ Andersen”; “ Chuyện tình Dạ Trạch”; “ Người thầy của các con rối” lần lượt ra đời. Trong số đó nhiều vở rất thành công, nhà hát cũng rút được nhiều kinh nghiệm.

Hoạt động biểu diễn của Nhà hát hết sức sôi động. Nhiều năm nhà hát đạt số buổi trên 1.000 suất diễn/năm. Đặc biệt dấu chân của các nghệ sỹ đã đặt trên khắp châu lục ở 32 quốc gia. Riêng tại kinh đô ánh sáng và văn hóa Paris nhà hát cũng đã lưu diễn đến gần 20 lượt.

Nhà hát xứng đáng là con chim đầu đàn, là chiếc máy cái. Nhà hát đã đào tạo, cung cấp cán bộ để hình thành các nhà hát chuyên nghiệp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Tây, Ninh Bình, Thái Nguyên. Ngoài ra còn giúp các trường mẫu giáo, mầm non cách làm con rối và dựng tiết mục ở các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và cả Hà Nội...

Để có được thành tích ấn tượng về chuyên môn và đủ cán bộ cho các cơ sở địa phương nhà hát luôn chú ý đến công tác đào tạo: Năm 1967 cử 05 cán bộ sang Tiệp Khắc học tập dài hạn và thực tập; đã mở 04 khóa học dài hạn để đào tạo diễn viên; 04 lần đón chuyên gia nước ngoài đến từ Tiệp Khắc, Nga, Singapore và Mỹ sang dạy nghề và dựng vở; cử các nghệ sỹ sang trao đổi học tập ngắn hạn tại Pháp, Indonesia, Tiệp Khắc, Phần Lan...

Nhằm động viên phong trào và đánh giá tình hình phát triển của nghệ thuật Múa rối, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức các cuộc Liên hoan Múa rối toàn quốc. Những Liên hoan múa rối trong nước bước đầu đã khởi dậy lòng yêu nghề và giữ gìn vốn cổ ở các địa phương, yếu tố giấu nghề đã được chấm dứt. Bên cạnh đó nhiều trò rối cổ hay đã được phục dựng và phát hiện.

 Năm 2008, khi đã đủ lực Nhà hát quyết định tiến thêm một bước nữa đó là tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế tại Việt Nam. Đến nay 4 cuộc Liên hoan đã được diễn ra. Điều đáng mừng là các nhà hát quốc tế tham gia khá nhiệt tình và đông đủ. Lần nào Việt Nam cũng giành nhiều huy chương Vàng bạc cho cá nhân và chương trình. Đặc biệt Liên hoan lần thứ nhất, thứ 2 và thứ 4 chương trình của nhà hát đã vinh dự giành huy chương vàng cho các vở diễn: “Hồn Quê”, “Truyện cổ Andersen” và  “Vũ điệu hoa quỳnh”, Ban giám khảo đánh giá đây là những tiết mục tốt nhất của Liên hoan. Đặc biệt tại Liên hoan Múa rối Thế giới - Thái Lan năm 2014, chương trình  "Nhịp điệu quê hương" của nhà hát đạt giải nhất duy nhất của liên hoan (không có giải đặc biệt, giải bạc) với sự tham gia của 85 nước.

Việc tổ chức Liên hoan quốc tế tại Hà Nội, giao lưu nghề tại nhiều cuộc hội thảo mang Múa rối đi diễn khắp thế giới đã làm cho cánh cửa hội nhập rộng mở và ý nghĩa cũng như nội dung của Hội nhập thêm sinh động.

Vinh dự là Nhà hát được Bác Hồ chỉ thị thành lập. Nhà hát được Bác gặp mặt và động viên cũng như được nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ xuống thăm hỏi: đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Khánh, Trương Mỹ Hoa, Phạm Gia Khiêm và các vị lãnh đạo khác.

Đặc biệt ghi ấn tượng những năm tháng chiến tranh ác liệt nhà hát đã 02 lần sang phục vụ chiến sĩ và nhân dân Lào. Được vinh dự yết kiến đồng chí Caysỏn Phôngvihẳm (Chủ tịch nước) và mang về tấm huân chương Ítxaha hạng nhất.

Niềm vui và vinh dự lớn là Nhà hát đã được nhà nước trao tặng 2 huân chương lao động hạng Ba, 01 huân chương kháng chiến hạng Ba và huân chương lao động hạng Hai, huân chương lao động hạng nhất cùng nhiều cờ và bằng khen của Chính phủ.

Từ con số 07 người đến nay Nhà hát có gần trăm nghệ sỹ và cán bộ chuyên môn vững vàng. Hiện nay nhà hát có 05 nghệ sỹ được phong tặng Nghệ sỹ Nhân dân và 15 nghệ sỹ là Nghệ sỹ ưu tú. Sự trưởng thành là kết quả của mong muốn lớn mạnh như cậu bé làng Gióng - đó cũng là tên gọi vở rối dài đầu tiên của Nhà hát xây dựng năm 1957 đến nay đã thành hiện thực.

Cuối cùng xin được tri ân những thế hệ đi trước đã lao động không biết mệt mỏi để có ngày hôm nay. Đặc biệt 03 vị lãnh đạo đầu tiên của nhà hát: Huỳnh Văn Cát, Lê Vĩnh Tuy, Trần Văn Nghĩa cùng hoạ sỹ Vũ Đình Thịnh - là những người hiến trọn cuộc đời cho niềm đam mê nghề và yêu trẻ, mà hôm nay đã khuất bóng. Cũng xin cám ơn các tổ chức, cơ quan của Đảng nhà nước, các cơ quan, phát thanh, truyền hình, thông tin, báo chí, các cộng tác viên, tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên đã hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian 60 năm để Nhà hát đã về đích với một thành tích thật ấn tượng và lớn lao.