Nàng Kiều trên sân khấu múa rối thử nghiệm

06-09-2019 Lượt xem:

Thân phận nàng Kiều là vở diễn được Nhà hát Múa rối Việt Nam tập trung đầu tư dàn dựng để tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ tư - năm 2019 tại Hà Nội.

Một cảnh trong vở rối Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

         Truyện Kiều là kiệt tác bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du, đã quen thuộc với người Việt Nam, nhưng khi đến với bạn bè quốc tế và lớp khán giả trẻ chưa có nhiều cảm thụ về tác phẩm, cũng gặp những khó khăn nhất định cho tác giả, đạo diễn... vì tầng sâu ngữ nghĩa của từng hình tượng nhân vật. Mỗi nhân vật trong Truyện Kiều đều là biểu tượng của một mẫu hình con người trong xã hội cũ như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Từ Hải... và nhất là Thúy Kiều. Nhiều người lo ngại khi biết thông tin sân khấu múa rối mạnh dạn thể hiện thân phận nàng Kiều vì loại hình rối kém hẳn sức biểu cảm của gương mặt, của những động tác thân thể. Vậy mà qua những đêm diễn đầu tiên, đã có rất nhiều chia sẻ về thành công ban đầu của tác phẩm.

         Truyện Kiều được kể lại trong vở rối "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát Múa rối Việt Nam theo đúng mạch nguyên tác với sự ghép nối giữa các màn bằng lối diễn đạt của nghệ thuật đương đại, bằng nhân vật thằng bán tơ vốn sơ sài trong tác phẩm... Ấn tượng đầu tiên là những biểu trưng cho từng nhân vật: Thúy Kiều là khuôn mặt hình cây đàn tỳ bà xinh xắn, thằng bán tơ có khuôn mặt lưỡi cày xấu xí, Tú Bà là một khối tròn cùng hai quả bầu treo nơi ngực, Từ Hải là khuôn hình vuông vắn, Thúc Sinh là một khuôn mặt trái tim với chòm râu dê, Hoạn Thư gương mặt chỉ là chiếc quạt xòe... hoặc độc đáo như mụ mối chỉ là miếng vải hình con bướm và chiếc môi to tướng. Xuyên suốt vở là những tấm lụa mềm mại như nước, dễ uốn lượn, linh động mang mầu trắng để có thể nên mầu theo từng phân đoạn nhờ vào ánh sáng, nhất là đội ngũ những con chim lợn với chiếc miệng to tướng, gớm ghiếc, chuyên bàn tán, xúc xiểm trước, sau những bước thăng trầm lớn cho nhân vật. Sự linh hoạt trong cách di chuyển con rối, di chuyển những gương mặt rối, những quăng bắt mạnh dạn ở từng trường đoạn, hay đôi chỗ gây hoạt náo thích hợp đã cân bằng trạng thái cho người xem. Những sáng tạo có tính biểu tượng rất cụ thể, cùng với ý đồ âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến là mỗi nhân vật có một gam màu âm sắc riêng...

         Vở rối" Thân phận nàng Kiều" thật sự là sự thử nghiệm tất cả mọi yếu tố từ âm nhạc, tạo hình, biên đạo múa… Tập thể nghệ sĩ đã dẫn dắt cảm xúc của người xem xuyên suốt thân phận của người phụ nữ nhan sắc “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh...” tài mạo thì đến độ “tài tình chi lắm cho trời đất ghen...” để diễn đạt đủ cái gọi là hồng nhan bạc mệnh của người xưa. Tập trung vào nhân vật chính, tác giả và đạo diễn cũng lược bỏ những nhân vật như Thúy Vân, Kim Trọng... và làm nổi rõ hơn ý tưởng về vòng luẩn quẩn của thân phận phụ nữ dưới chế độ còn nhiều bất công... Vượt qua những trói buộc về không gian, thời gian của sàn diễn, các nghệ sĩ đã tìm thấy không khí bảng lảng, giàu màu sắc huyền thoại vốn rất đắc địa của rối để khắc họa hình tượng nghệ thuật. Người xem như thấy rõ hơn sự đầu tư tâm sức cho tác phẩm khi mỗi con rối vô cùng linh hoạt, tưởng như là một, thật ra lại được hai diễn viên cùng thể hiện ăn ý.

         Nhà biên kịch Mai Thắm khi xem vở diễn cho biết: “Từng là diễn viên cải lương, lại cũng đã diễn Kiều nên khi biết tin, dù tò mò, nhưng tôi cũng không mấy tin tưởng vào việc múa rối với những tấm vải, thanh tre vô hồn có thể làm nên chuyện, thể hiện được tác phẩm rất dày dặn, nhiều tình tiết, nhân vật có những biến chuyển tâm lý khá phức tạp. Vậy nhưng, tôi đã rất thích thú khi xem. Vở diễn như một bộ phim hoạt hình sinh động, hấp dẫn...”.

Nhiều khán giả cũng tỏ ra phấn khích khi biết được một cách lý giải, tiếp cận Truyện Kiều đơn giản, giàu tính biểu trưng như vậy.

         Tuy nhiên, cũng do việc tìm tới sự dễ hiểu, tính biểu trưng trong thời lượng có hạn của một đêm diễn, cũng như sự trói buộc của sàn diễn và con rối, cho nên phần nào vở diễn chưa thể hiện được sự đa dạng, phong phú, sâu sắc của nhân vật trong nguyên tác. Thí dụ, hình tượng nhân vật Thúc Sinh được thể hiện qua tiếng kêu của con dê, với trái tim biểu trưng là người đàn ông mê sắc, yếu đuối... có phần chưa thật đúng với Thúc Sinh trong tâm tưởng người yêu Truyện Kiều. Hay sự thâm hiểm của Hồ Tôn Hiến thuyết phục Kiều để khuyên Từ Hải ra hàng dường như chỉ là những lý do như ham hư vinh, tiền bạc, không muốn Từ Hải phải ra chiến trận... mà bỏ mất nguyên do quan trọng nhất mà nguyên tác từng nhấn mạnh là Kiều nhận thức rằng “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào...” ý nói “làm giặc” thì không bao giờ để được tiếng tốt, mãi “là giặc” mà thôi...

Nhìn chung, vở diễn đáp ứng được tâm lý tìm đến cách thể hiện mới.

 

                                               CAO NGỌC - Báo Nhân dân