Nghệ sỹ biểu diễn không nghiêm túc thương hiệu sẽ mất

10-06-2019 Lượt xem:

   Chưa đầy một tháng hè mà nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thực hiện được 100 suất diễn. Cả 3 tốp biểu diễn thuộc 2 đoàn của Nhà hát đã hoạt động liên tục trên ba sân khấu tại trụ sở Nhà hát tại 361 Trường Chinh, Hà Nội, sân khấu thủy đình tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Lê Thái Tổ, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và ở nhiều trường học, cơ quan, đơn vị.

                                   "Phượt cùng bà lão đánh cá"

Điều ngạc nhiên hơn là để thực hiện một số lượng suất diễn dày đặc và ở nhiều địa điểm sân khấu khác nhau như vậy nhưng chỉ có 32 nghệ sĩ.
Cứ vào dịp hè, Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn có những chương trình mới, đặc biệt dành cho trẻ em. Điều này cho thấy trẻ em luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu của Nhà hát mặc dù hằng ngày biểu diễn phục vụ khán giả nước ngoài và khách du lịch vẫn diễn ra đều đặn. Từ ngày 10.5, Nhà hát quyết định tập trung phục vụ đối tượng chủ yếu là khán giả thiếu nhi với mục đích phục vụ các cháu trong dịp nghỉ hè. Ba sân khấu tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, 361 Trường Chinh gồm: Rạp biểu diễn múa rối cạn, Rạp biểu diễn kết hợp giữa múa rối nước và múa rối cạn, Sân khấu múa rối nước ngoài trời đã liên tục đỏ đèn. Bên cạnh đó biểu diễn múa rối nước hằng ngày phục vụ khách du lịch tại sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật đương đại - 79 Hàng Trống, Hà Nội.
    Năm nay, Nhà hát cũng đẩy mạnh phối hợp phục vụ biểu diễn theo các hợp đồng biểu diễn lưu động tại các trường học, các cơ quan. Có thể nói, lực lượng nghệ sĩ của Nhà hát đều rất có kinh nghiệm trong việc đáp ứng tần suất biểu diễn dày đặc cũng như dàn dựng các chương trình theo yêu cầu từ các đối tác khách hàng thế nên Nhà hát Múa rối Việt Nam đã nhận được nhiều hợp đồng biểu diễn cũng như sự tín nhiệm của đông đảo khán giả.
    Chỉ có 32 nghệ sĩ thuộc 2 tốp nghệ sĩ thuộc 2 đoàn biểu diễn nhưng việc tổ chức biểu diễn không hề bị chồng chéo, nghệ sĩ không ngại vất vả, sẵn sàng ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, chạy lên chạy xuống các điểm diễn để đáp ứng khi lượng khán giả có nhu cầu đông.
     Thưa ông, thị trường biểu diễn phục vụ khán giả thiếu nhi có rất nhiều chương trình với nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn nhưng vì sao các chương trình múa rối của Nhà hát Múa rối Việt Nam lại có sức hấp dẫn riêng?
- NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN: Tiêu chí để tạo dựng thương hiệu cho Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn được chúng tôi đặt cao nhất đó chính là chất lượng nghệ thuật và giá cả. Để phục vụ khán giả thiếu nhi trong dịp hè 2019, chúng tôi có 4 chương trình: Phượt cùng bà lão đánh cá, Chú bé rừng xanh, Đồng vọng, Vui hè. Ngoài những chương trình biểu diễn cố định, chúng tôi cũng xây dựng các chương trình ngắn chỉ tầm 45 phút và giá biểu diễn hợp đồng rất “mềm” so với các show diễn trên thị trường. Dẫu khán giả chỉ có 100 cháu hay vài trăm cháu thì giá hợp đồng cũng sẽ chỉ như vậy. Không phải số lượng các cháu tới xem đông hơn thì chúng tôi lấy giá hợp đồng cao hơn. Điều quan trọng chính là làm sao để nhiều khán giả nhí đến với nghệ thuật múa rối. Nếu các bậc phụ huynh đã cho con em tới xem các chương trình của Nhà hát Múa rối Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ tiếp tục trở lại Nhà hát. Hoặc như các trường học, các cơ quan sau khi mời chúng tôi tới biểu diễn thì khi có nhu cầu xem nghệ thuật họ luôn nhớ tới Nhà hát.
Điều mà Nhà hát luôn nhắc nhở các nghệ sĩ đó là, đừng bao giờ chủ quan khi dàn dựng chương trình phục vụ cho khán giả, cần phải luôn để tâm thay đổi và thích ứng với mọi nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là yêu cầu luôn được xem những chương trình mới lạ, hấp dẫn của khán giả nhí.
Khán giả đến với Nhà hát không chỉ có thiếu niên, nhi đồng mà còn có du khách quốc tế, những người lớn tuổi. Phải chăng đó là lý do mà Nhà hát đã từng có những chương trình hầu như chỉ để dành cho khán giả là người lớn?

 
- Khán giả là đối tượng nhắm đến của bất kỳ một chương trình hay vở diễn nào. Xuất phát từ thực tế hoạt động múa rối những năm qua, thời gian này các nghệ sĩ của Nhà hát đang tiếp tục muốn mở rộng đối tượng khán giả, không chỉ phục vụ thiếu nhi và khách du lịch mà còn hướng tới những đối tượng khác như sinh viên, người cao tuổi... Thông qua các chương trình đã được đổi mới, nâng cao cho phù hợp với nội dung cũng như đối tượng mà Nhà hát nhắm tới, ngày nay người làm rối đã nghĩ ra nhiều trò diễn để hấp dẫn khán giả, sân khấu rối bây giờ đã có thêm nhiều yếu tố giải trí mà giá trị giáo dục không hề bị giảm. Bản thân tôi trưởng thành từ một nghệ sĩ biểu diễn rồi đến nay là vai trò đạo diễn, với những kinh nghiệm trong nghề tôi thấy việc khoanh vùng các đối tượng khán giả ở từng đối tượng, lứa tuổi là nâng cao tính chuyên nghiệp cho nghệ thuật múa rối, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng ở từng đối tượng. Đơn cử như xây dựng chương trình cho các khán giả nhỏ tuổi, các nghệ sĩ phải có cách thể hiện thật nhẹ nhàng, gần gũi và đi đúng vào tâm lý, sở thích của con trẻ. Rất nhiều người nghĩ rằng làm sân khấu cho thiếu nhi thì không cần phải đầu tư suy nghĩ như vậy là rất sai lầm. Làm chương trình múa rối cho thiếu nhi rất cần sự nghiêm túc, sáng tạo, hấp dẫn và mang tính chuyên nghiệp cao. 

 Thương hiệu đã có nhưng nếu lơ là, không có chương trình biểu diễn chất lượng, nghệ sĩ biểu diễn không nghiêm túc, cách ứng xử tương tác với khán giả không tốt thì thương hiệu sẽ bị mất đi và niềm tin của khán giả cũng sẽ không còn. Sự sống còn của Nhà hát phụ thuộc vào trách nhiệm không chỉ của Ban giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật mà còn của mỗi cá nhân từng cán bộ, nghệ sĩ.
        (NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam)
                                                                                                                                            Nguồn: Thuý Hiền - Báo Văn hoá