ANTD.VN - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, vào các ngày 18,19,20/10, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ công diễn vở “Thân phận nàng Kiều” tại Rạp Hồng Hà, Đường Thành, Hà Nội.
Được biết, vở diễn "Thân phận nàng Kiều" dựa trên tác phẩm kinh điển "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du, được chuyển thể sang sân khấu múa rối mang đầy tính đột phá, sáng tạo và thử nghiệm mới dưới sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng.
Vở diễn đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 như HCV cho vở diễn xuất sắc, Giải đạo diễn xuất sắc, Giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 HCV cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở.
“Thân phận nàng Kiều” tái xuất nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 ảnh 1
Vở diễn khắc họa tính cách từng nhân vât như Thúy Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Từ Hải... một cách khác biệt. Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng đã dàn dựng theo ngôn ngữ dàn cảnh, mà không tuân theo thứ tự thời gian của Truyện Kiều. Trong đó, đạo diễn chọn vài sự kiện cao trào trong cuộc đời Thúy Kiều. Từ sự vu oan giá họa của thằng bán tơ đã khiến gia đình Vương Ông lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Thúy Kiều phải hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ, gian truân suốt 15 năm.
Bên cạnh những nhân vật "đinh", vở diễn còn hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng là Nguyễn Du (nhân vật con rối Bút lông) và Đạm Tiên (hình hài Đàn tỳ bà). Đây có thể coi là thử nghiệm rất sáng của cấu trúc kịch - rối. Những lớp chuyển thật sự mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Các cảnh diễn được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, không gian, ánh sáng trừu tượng, huyền ảo kết hợp với âm nhạc truyền thống và múa đương đại, đã khiến cho khán giả có những trải nghiệm, cảm xúc thật sự ấn tượng và khó quên. Trong đó, những giai điệu day dứt, vò xé đã khắc họa thêm cho số phận "ba chìm bảy nổi" của nàng Kiều.
“Thân phận nàng Kiều” tái xuất nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 ảnh 2
Vở diễn tái hiện, khắc họa tính cách từng nhân vật chính một cách khác biệt, nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ múa rối khiến các nhân vật trong thơ gần gũi và sắc nét hơn trên sân khấu.
Đặc biệt hơn nữa, với múa rối truyền thống thì sẽ khó để hấp dẫn, truyền tải hết được nội dung của câu chuyện, khó để diễn viên có thể lột tả trọn vẹn tâm trạng oan ức, đau đớn của Kiều, cũng như của nhiều nhân vật khác. Tuy nhiên, sự thể nghiệm rối – người đã khiến người xem dễ hiểu, dễ nhập tâm hơn với số phận của nàng Kiều.
Thành công của vở rối Thân phận nàng Kiều đã mở ra hướng tiếp cận mới cho sân khấu múa rối, tạo dấu ấn mang tính đột phá về sáng tạo.
Nguồn: Báo An ninh Thủ đô