Đào tạo Múa rối - Thực trạng và giải pháp

18-06-2018 Lượt xem:

                                                                         PGS.TS Bùi Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ đào tạo

          Múa rối là một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, được khán giả trong nước và quốc tế yêu thích (đặc biệt là rối nước Việt Nam). Việc trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa của cha ông để lại là hết sức cần thiết. Bởi có giữ gìn được thì chúng ta mới duy trì và bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc, vì “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt cách của bản sắc dân tộc”.

          Trong 50 năm qua, do hoàn cảnh lịch sử, do những điều kiện xã hội nhất định, nên, mặc dù nghệ thuật có lúc thăng, lúc trầm, nhưng những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận, góp phần đắc lực vào việc làm phong phú đời sống tinh thần, định hướng thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, lối sống toàn dân.

          Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, do có những hạn chế trong công tác đào tạo, nghệ thuật múa rối đang lâm vào tình trạng thiếu cán bộ múa rối trầm trọng, đặc biệt là đội ngũ các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên múa rối, tạo hình con rối… Để giải quyết những khó khăn về đội ngũ, trong những năm qua, Bộ Văn hóa – Thể thao - du lịch đã tìm nhiều biện pháp và hình thức đào tạo nghệ thuật múa rối nhưng mới chỉ giải quyết được về khâu diễn viên như: chỉ đạo Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội phối hợp với Nhà hát Múa rối Việt Nam  tuyển sinh và đào tạo lớp diễn viên chuyên ngành múa rối hệ đại học chính quy đặt tại Nhà hát Múa rối  Việt Nam để các sinh viên được thực hành ngay trên sàn diễn đồng thời cũng được các nghệ nhân, nghệ sỹ có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn. Lớp học này đã mang lại kết quả cao.

          Múa rối là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, để có một tiết mục nghệ thuật múa rối hay, được khán giả trong nước và quốc tế yêu thích, ngoài các diễn viên giỏi thì không thể thiếu các nhà biên kịch, đạo diễn, tạo hình và kỹ thuật rối có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm. Nhưng một thực tế đang đặt ra trước các nhà hát múa rối hiện nay là số những người có trình độ cao về nghệ thuật múa rối đã lần lượt nghỉ hưu, số cán bộ trẻ kế cận chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối.

      Hội thảo “Đào tạo nghệ thuật múa rối – Thực trạng và giải pháp” có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa rối hiện đại trên thế giới. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta đánh giá về thực trạng, kết quả đào tạo, tìm ra những giải pháp cần tháo gỡ trong công tác đào tạo và sử dụng nghệ sỹ múa rối, nhằm đẩy mạnh, mở rộng, bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối.

      Việc đào tạo, sử dụng và phát huy tài năng của các nghệ sỹ múa rối được làm nên bởi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, chúng tôi hy vọng rằng trong cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận để tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm phát triển nghệ thuật múa rối, giữ gìn vốn di sản quý báu và phát huy nó trong cuộc sống đương đại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

          NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐẶT RA TRONG HỘI THẢO

-  Xác định đặc điểm, đặc thù của đào tạo múa rối

- Chuẩn hóa về nội dung đào tạo, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy.

- Những vướng mắc cần tháo gỡ và các giải pháp về đào tạo Biên kịch, đạo diễn, tạo hình và kỹ thuật rối.

- Công tác đào tạo tại các Trường Văn hóa Nghệ thuật

- Sự phối hợp đào tạo giữa nhà trường với nhà hát

- Việc cử các nhà chuyên môn đi học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài

- Mời các chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy

- Đầu tư kinh phí đối với đào tạo và việc huy động các nguồn lực khác

- Các giải pháp cần tháo gỡ trước mắt và lâu dài

   Bài viết được trích dẫn từ tham luận hội thảo "Đào tạo múa rối - Thực trạng và giải pháp" năm 2006