Đến nay nghệ thuật múa rối Việt Nam đã đạt đến trình độ nghệ thuật có giá trị cao về tinh thần, đồng thời cũng là một trong những loại hình sân khấu giải trí hấp dẫn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dânViệt Nam.
Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại cùng với Nhà nước văn minh - nghệ thuật thời Hùng Vương gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ cách đây hơn 2000 năm. Nhưng thực tế cho thấy múa rối tồn tại ở Việt Nam cho đến nay trên dưới 1000 năm, nó phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XII). Hiện vẫn chưa có một tư liệu nào chứng minh được nguồn gốc xuất xứ ra đời của nghệ thuật múa rối. Duy nhất hiện còn lưu trên Bia "Sùng Thiện Diên Linh tự tháp" có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý Nhân Tông, có ghi trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ nhà vua. Điều đó chứng tỏ rằng nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam đã được hình thành từ bao đời nay, được lưu truyền tồn tại và ngày càng phát triển với nhiều thể loại như: Rối tay, rối que, rối dây, rối nhà mồ, rối mặt nạ, rối diều sáo, rối đồ chơi, rối sào, rối bóng... đặc biệt có múa rối nước. Nội dung trong tích, trò, vở diễn mang tính chất mua vui, giải trí, gây cười, rất hóm hỉnh, hài hước, châm biếm... Hoạt động của múa rối dân gian Việt Nam, gắn liền với tín ngưỡng làng xã, một mặt để lễ bái thờ cúng thần linh - Thần Thành Hoàng mặt khác để góp vui cho khách chảy hội... Những người tham gia trong phường rối là các nghệ nhân nghiệp dư, họ là những nông dân thợ thủ công vào thời vụ thì cấy cày, làm đủ nghề kiếm sống, lúc nông nhàn thì tham gia các sinh hoạt nghệ thuật, mỗi phường có một người đứng đầu gọi là ông trùm. Ông trùm tụ tập mọi người (họ là những người tình nguyện) cùng trao đổi, sáng tác và tập luyện các tiết mục, thống nhất biểu diễn một số trò, tích theo yêu cầu. Đó là những phường rối, gánh rối dân gian được nhân dân thành lập và trân trọng gìn giữ lưu truyền đến ngày nay. Tiếp thu vốn nghệ thuật truyền thống, những người hoạt động trong lĩnh vực này đã dành tâm sức, đầu tư, sáng tạo để phát triển hơn lên nhưng không mất đi bản chất nghệ thuật dân gian dân tộc.
Nghệ thuật Múa rối dân gian Việt Nam gồm có: Múa rối cạn và múa rối nước. Múa rối cạn có nhiều thể loại khác nhau như: Rối tay, rối que, rối dây, rối bóng, rối mặt nạ, rối nhà mồ, rối lốt... phần lớn các tích trò thường sử dụng các làn điệu chèo, ca trù, tuồng, nhạc cung đình...
Đặc biệt trong sự đa dạng, phong phú của nghệ thuật múa rối thế giới, Việt Nam là nước duy nhất có múa rối nước - "độc nhất vô nhị". Múa rối nước đã góp phần làm giàu thêm vốn nghệ thuật truyền thống và là niềm tự hào của văn hóa dân tộc.
Trong bài viết này tôi xin phép được đề cập về nghệ thuật múa rối nước dân gian Việt Nam: "Nghệ thuật truyền thống mang hơi thở đương đại".
Múa rối nước là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam - Thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Trong xã hội hiện đại hôm nay, múa rối nước không còn quá xa lạ với quảng đại quần chúng trong nước và trên thế giới. Có lẽ thời gian là một trong những nhân tố giúp múa rối nước định hình, khẳng định và phát triển, được xếp hạng là một trong những loại hình nghệ thuật có giá trị cao, mang tính truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Thực tế cho thấy, do điều kiện tự nhiên và công việc của nhà nông, có thể nói rằng: Múa rối nước được xây đắp hình thành từ tâm tư, tình cảm của người dân lao động, nó tái hiện cuộc sống và ước vọng của thời đại. Trước kia rối nước chỉ diễn ngoài trời, sân khấu gắn bó, hòa quyện với thiên nhiên, trong không gian mênh mông, trời, đất và nước có cây xanh, mây, gió, lửa, có khói mờ vương tỏa, ẩn hiện mái đình uốn cong và màu ngói đỏ, quả là một sự hòa quyện độc đáo giữa thiên nhiên và con người. Ngày nay, múa rối nước Việt Nam, không chỉ bảo tồn mà đã được khai thác sâu, rộng hơn. Hiện nay, cả nước có 18 phường rối nghiệp dư và 5 nhà hát, đoàn múa rối chuyên nghiệp. Hoạt động của các phường rối phần lớn vẫn theo hình thức phục vụ hội hè, đình đám..., các thành viên tham gia chủ yếu là nông dân trong làng, xã. Có phường các thành viên là ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái dâu rể cùng trong một gia đình. Một số phường rối cũng đã xuất ngoại biểu diễn. Năm 1984, Nhà hát Múa rối Việt Nam chọn lọc một số trò, nâng cao và dàn dựng chương trình rối cổ, biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả trong nước, quốc tế. Trong những năm gần đây, múa rối Việt Nam đã mạnh dạn thể nghiệm một số vở diễn với hình thức kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, để đáp ứng và phù hợp với tiến độ phát triển của xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Nói đến nghệ thuật múa rối trước hết phải nói đến nghệ thuật tạo hình. Chúng ta phải thừa nhận một điều: Không có tạo hình con rối thì không có biểu diễn múa rối. Nhân vật rối mang tính ước lệ, tượng trưng, việc đầu tư sáng tạo ngay từ khâu đầu tiên, đó là cái khó đồng thời cũng là đặc thù riêng của múa rối. Nó không theo một khuôn mẫu nào, mà phải trên cơ sở kịch bản để thực thi. Riêng với múa rối nước, tạo hình nhân vật được kết hợp hài hòa hai yếu tố: Nghệ thuật điêu khắc dân gian và nghệ thuật điêu khắc Cung Đình. Mặc dù có rất nhiều thành phần tham gia nhưng riêng tạo hình rối nước có chung một quan điểm đó là: Tính cách nhân vật rõ nét, có chất rối (ngây ngô, ngộ nghĩnh) thích hợp với nước. Để có một con rối nước hoàn chỉnh phải qua những công đoạn sau:
- Nghiên cứu kịch bản.
- Vẽ maket (nhân vật).
- Chọn loại gỗ thích hợp (như gỗ sung, gỗ mít, hai loại gỗ này nhẹ, có độ bền ngâm trong nước, có thớ và dai)
- Đục con rối theo kích cỡ, hình dáng đã thống nhất trong maket (có con rối phải đục rỗng bên trong giảm trọng lượng).
- Phơi khô, làm nhẵn bề mặt con rối.
- Hom sơn ta (loại sơn chống thấm nước giữ độ bền gỗ) đế xốp được quấn nhiều lớp vải mỏng (vải màn) phủ sơn ta và phơi khô.
- Thếp bạc, vàng cho con rối (theo tính cách nhân vật)
- Hóa trang con rối (phần lưng con rối Lân, Sư tử hoặc phần đuôi con rối Phượng, được may bằng vải dầy hoặc chất liệu cứng, có trang trí họa tiết.
- Lắp máy, dây, sào con rối (bộ máy tùy thuộc tính cách nhân vật).
Để hoàn thành một bộ rối nước (16 trò) phải mất khoảng 4 đến 5 tháng, chưa kể thời tiết ẩm thời gian để con rối khô còn kéo dài hơn.
Đa phần con rối nước không làm to, thường chỉ vừa phải khoảng 60cm đến 75cm. Trong tạo hình con rối có ít nhiều theo theo truyền thống tạc tượng dân gian, thoáng có nét con người trong nghệ thuật đình làng.Con rối là một phần của nền tạo hình dân gian truyền thống, vì vậy tác dụng trực cảm khá mạnh. Tạo hình con rối nước đã góp phần khẳng định thêm về bản sắc dân tộc của nghệ thuật múa rối. Mặt khác, trong hệ thống con rối cổ truyền, phần nào chúng gần gũi với tự nhiên và thế giới siêu linh hơn, gắn với ước vọng mang nét khái quát và tính biểu tượng mạnh hơn, các tiết mục có nội dung vui vẻ mang tính giáo dục nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc. Hiện nay con rối trở nên cụ thể, động tác và trình diễn cũng trở nên cụ thể hơn, đi sâu vào các tiểu tiết khiến người xem thích thú, ở cái hay, khéo của kỹ thuật điều khiển, mà tính trừu tượng của dân gian vì thế việc phát huy cũng không đơn giản.
Hiện nay, với góc nhìn tạo hình có thể nói con rối có những đặc điểm như sau: Về thành phần; có cả thần linh, linh vật, anh hùng dân tộc, cảnh tăng gia sản xuất ở nông thôn. Màu sắc,trước kia thường dùng màu đỏ, màu hồng diện, màu đen, vàng dòng..., còn hiện nay màu sử dụng theo kỹ thuật cho phép, kỹ thuật điều khiển phức tạp hơn. Kích thước con rối vẫn tuân thủ tính khái quát như trước. Về cách tạo tác, con rối từ đầu đến thân được tạc liền trên một khúc gỗ, chân, tay được gắn vào thân bằng những cái chốt bằng gỗ.Chính vì lẽ đó nên các động tác con rối cử động khó khăn, điều đó tạo cho rối trở nên ngây ngô hơn, song đó là điều khiến người xem thích thú. Trang phục con rối hầu hết bó sát vào người vì tạc liền trên một khúc gỗ, ranh giới phân biệt là màu sắc.Nhìn chung con rối tươi vui, ngộ nghĩnh, hồn nhiên, hóm hỉnh và hài hước. Tạo hình con rối đã góp phần khẳng định thêm về bản sắc dân tộc của nghệ thuật múa rối.
Biểu diễn múa rối nước - nước là một yếu tố rất quan trọng, giúp con rối sinh động, hấp dẫn và tạo ra rất nhiều tình tiết bất ngờ kích thích sự tò mò, tăng thêm lòng cảm phục của người xem. Trên thực tế, khi "chú Tễu" - nhân vật dẫn trò của múa rối nước xuất ngoại lần đầu tiên (năm 1984) đã chiếm được tình cảm và sự thán phục của bè bạn quốc tế. Từ đó đến nay, múa rối nước Việt Nam đã không còn xa lạ với quảng đại khán giả trong và ngoài nước.
Múa rối nước thực sự đã gây tiếng vang và góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sự hiểu biết và uy tín cho nền văn hóa dân gian - dân tộc Việt Nam. Phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, múa rối nước Việt Nam trong những năm gần đây, không chỉ dừng lại ở vốn cổ, những người yêu nghệ thuật múa rối đã và đang nghiên cứu, đổi mới phương thức dàn dựng và nội dung, phong phú hơn, đa dạng hơn cho nghệ thuật múa rối.
Nhà hát Múa rối Việt Nam là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước với chức năng bảo tồn và phát triển, chương trình 16 trò cổ, nhiều năm qua đã thực sự thu hút được sự mến mộ của khán giả trong nước và quốc tế. Những năn gần đây, Nhà hát đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm một số vở với hình thức mới kết hợp giữa cổ và hiện đại, điển hình: Vở diễn "Hồn quê" của tác giả - Đạo diễn NSƯT Vương Duy Biên, đoạt huy chương Vàng trong Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội năm 2008.
Vở diễn "Hồn quê" mang hơi thở đương đại, được dàn dựng kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật rối nước truyền thống. "Hồn quê " là vở diễn mang đậm chất đương đại. Tái hiện cảnh làng quê Việt, con người Việt Nam dung dị, nhân hòa, cần cù và nhân ái, luôn đối mặt với gian khổ, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. "Hồn quê" với những màn diễn rất đời thường, hiện diện như một bức tranh tả thực cuộc sống thanh bình của người dân Việt. "Hồn quê" như một lời thầm nhắc gợi quê hương trong lòng những người dân Việt Nam, những người con xa xứ. Sự thành công của vở diễn là động lực thúc đẩy tính sáng tạo và phát huy hơn nữa cho nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam tiến tới hòa nhập trong thời kỳ hội nhập của đất nước.
Một thành công tiếp theo của Nhà hát Múa rối Việt Nam: Vở diễn "Truyện cổ ANDECXEN" của Tác giả - Đạo diễn Ngô Quỳnh Giao. Vở diễn đoạt huy chương vàng trong Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ II, Hà Nội - 2010. Một lần nữa khẳng định vai trò mang tính hiện đại trong nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam đã thực sự thành công.
Bên cạnh sự đột phá của Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội, cũng cho ra mắt khán giả vở diễn: "Huyền thoại Rồng tiên", tác giả NSƯT Đăng Tiến, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn, vở diễn đoạt huy chương bạc trong liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội năm 2008.
Điều đó khẳng định nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam nói chung và múa rối nước nói riêng, thực sự đã thành công trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển. Đây là một bước đột phá lớn trên con đường khám phá tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật Múa rối dân gian Việt Nam: Truyền thống và hiện đại.
Nghệ thuật múa rối Việt Nam hôm nay phong phú và tinh tế hơn, hy vọng với sự quan tâm và đầu tư của các tổ chức múa rối Quốc tế, của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Việt Nam, nghệ thuật múa rối Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng tốt hơn. Với phương châm kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại, đó là bước tiến cần xác định của nghệ thuật múa rối Việt Nam hôm nay và mai sau.
Tác giả: Thúy Nga