Nhà hát Múa rối Việt Nam thuộc Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch, Nhà hát là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước. Với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống, cơ cấu tổ chức Nhà hát bao gồm Ban giám đốc và 9 phòng ban chức năng để thực thi công việc ( Phòng nghệ thuật, Trung tâm mỹ thuật tạo hình, 3 đoàn biểu diễn, Đội nhạc, Phòng hành chính tổ chức, Phòng tài vụ, Ban quản lý rạp, Phòng tổ chức biểu diễn). Nhà hát có một đội ngũ nghệ sỹ giỏi trong các lĩnh vực chuyên môn như: Đạo diễn, biên kịch, hoạ sỹ mỹ thuật tạo hình, kỹ thuật âm thanh ánh sáng, diễn viên… Nhiều người được đào tạo chính quy từ các trường Đại học trong nước và Quốc tế.
Chương trình nghệ thuật Nhà hát ngày càng phong phú và đa dạng đáp ứng thị hiếu của khán giả trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Hàng trăm tiết mục lớn, nhỏ với nhiều thể loại, nhiều phong cách khác nhau như: rối nước, rối que, rối tay, rối dây, rối mặt nạ, rối sân khấu đen,…Với ba đoàn diễn viên, Nhà hát luôn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho các đối tượng khán giả: trẻ em, đồng bào vùng sâu vùng xa, khách trong nước và Quốc tế. Từ ngày thành lập đến nay Nhà hát đã biểu diễn phục vụ khán giả khắp các tỉnh thành trong nước từ miền xuôi đến miền ngược từ thành phố đến hải đảo xa xôi và gần 40 nước trên thế giới.
Chương trình của Nhà hát luôn đóng vai trò nòng cốt trong các Hội diễn Sân khấu, Liên hoan Múa rối Toàn Quốc, Festival múa rối Quốc tế và đạt được nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt Liên hoan Múa rối Quốc tế tại Praha - Tiệp Khắc năm 2002, Nhà hát đã đạt giải thưởng cao nhất (CUP) giải thưởng đặc biệt duy nhất. Những năm gần đây việc trao đổi giao lưu văn hóa giữa các nước, Nhà hát múa rối Việt Nam lại có thêm nhiều cơ hội khẳng định vị thế của một Nhà hát chuyên nghiệp đầu nghành.
Là một trung tâm nghệ thuật Múa rối lớn nhất cả nước, Nhà hát đã tác động giúp một số tỉnh thành có đoàn múa rối chuyên nghiệp như: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Đoàn Múa rối Hải Phòng, Đoàn múa rối Thành Phố Hồ Chí Minh, Đoàn Múa rối Đắclắc, Đoàn múa rối Hà Tây... đồng thời khôi phục lại một số phường rối cổ truyền ở các địa phương hoạt động trở lại. Với bề dày thành tích, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý, nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, chiến sĩ thi đua.....
Chỉ thị của Bác Hồ mở ra một hướng mới cho nghệ thuật múa rối Việt Nam, phát huy nghệ thuật truyền thống và tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật múa rối thế giới, xây dựng nghệ thuật múa rối truyền thống và hiện đại.
Học tập và trưởng thành lên từ kinh nghiệm của múa rối Tiệp Khắc (đoàn múa rối RADOST- năm 1956) đồng thời tiếp thu phát triển những tinh hoa của múa rối truyền thống, Nhà hát Múa rối Việt Nam đi đầu trong việc phục hồi rối cổ truyền thống, nâng cao và phát triển nghệ thuật múa rối sân khấu dân tộc.
Thăng trầm cùng diện mạo đất nước, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc mỹ, khắc phục khó khăn trong lửa đạn các nghệ sỹ đã xây dựng được nhiều tích, trò, vở diễn nhằm động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Năm 1971, Nhà hát Múa rối Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên múa rối nước đầu tiên (trình độ trung cấp) đây là thành tích đáng ghi nhận trong việc phục hồi múa rối nước cổ truyền. Năm 1975 thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới cho lịch sử nước nhà, tạo điều kiện cho các ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển, trong đó có nghệ thuật múa rối truyền thống.
Những đóng góp của Nhà hát trong chiến tranh chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã khẳng định vai trò, giá trị nghệ thuật múa rối trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Tổ múa rối (ngày đầu thành lập có 9 người) tiền thân của Đoàn múa rối Trung ương, Nhà hát múa rối Trung ương và nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam. Trong thời kỳ thay đổi cơ chế thị trường, nghệ thuật múa rối cũng thay đổi cách nhìn nhận mới hiện đại hơn nhưng không làm mất đi giá trị truyền thống. Cũng như các loại hình Sân khấu khác, nghệ thuật múa rối góp phần đem lại cho công chúng niền tin, hy vọng về những gì tốt đẹp hơn, những bài học về Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín và lòng nhân ái, tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc.
Trong những thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghiệp hóa toàn cầu, đất nước ta đang trên đường hội nhập, văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong hành trình đi lên của dân tộc. Cũng như các loại hình sân khấu truyền thống, nghệ thuật múa rối Việt Nam nói chung và Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng, ngày càng được đổi mới nâng cao từ kịch bản, hình thức, kỹ thuật biểu diễn, tạo hình con rối, trang trí, ánh sáng... Nhiều tiết mục, vở diễn có chất lượng nghệ thuật tốt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Trình độ chuyên môn của nghệ sỹ cũng được đào tạo nâng cao đáng kể như: hệ trung cấp rồi cao đẳng và đại học. Xác định tầm quan trọng của nghệ thật múa rối, Nhà hát đã và đang từng bước nghiên cứu phương hướng phát triển của mình, xứng đáng là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước.
Từ năm 1979 đến nay, chương trình (trò cổ múa rối nước) của Nhà hát đã phục vụ rất nhiều nước trên thế giới (gần 40 nước) như : Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Tiệp Khắc, Nga, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Singapo, Thái Lan, Ý, Philipin, Đài Loan, Ấn Độ, … có nơi Nhà hát đã biểu diễn lần thứ 12 (Pháp). Thời gian gần đây múa rối cạn phát triển rõ rệt, không những khán giả trong nước yêu thích mà bè bạn Quốc tế cũng rất tán dương. Rối cạn đã chính thức "xuất ngoại" biểu diễn ở một số nước như: Đài Loan, Đức, Trung Quốc... Điều đáng tự hào đối với các nghệ sỹ Nhà hát họ đã dành được tình cảm, sự thán phục và ấn tượng tốt đẹp với khán giả trong nước và quốc tế (cho dù ngôn ngữ bất đồng, khác về tín ngưỡng).
Có thể khẳng định Nhà hát Múa rối Việt Nam đã và đang trên con đường hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, luôn xứng đáng là một Nhà hát đầu nghành, một trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước. Trong thập kỷ này, nghệ thuật múa rối Việt Nam đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc hợp tác giao lưu văn hoá với các nước trên thế giới.
Thành tích Nhà hát múa rối Việt Nam (1956 - 2011)
Trải qua quá trình hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, bằng con đường nghệ thuật lao động nghiêm túc, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ác liệt của chiến tranh cũng như thời kỳ hòa bình và phát triển hiện nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
1. Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1960.
2. Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1961.
3. Huân chương Kháng chiến Hạng Ba năm 1973.
4. Huân chương Itxala - Huân chương Tự do Hạng Nhất - là phần thưởng cao quý nhất của nước Lào dành tặng cho Nhà hát năm 1973.
5. Bằng khen của Liên Đoàn thanh niên sinh viên Thế giới - Hội phụ nữ dân chủ Quốc tế tặng năm 1978.
6. Huân chương Lao động Hạng Hai năm 2001.
7. Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn Hóa - Thông tin năm 1963, 1964, 1965, 1975, 1976, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001, 2002, 2005.
8. Bằng khen của Chính phủ năm 2002.
9. Giải nhất Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ VI tại Praha - năm 2002
10. 19 Huy chương Vàng, Bạc giải thưởng cho các vở diễn tiết mục của Nhà hát tại Liên hoan, Hội diễn sân khấu Múa Rối Toàn quốc.
11. 49 Huy chương Vàng, Bạc giải thưởng cho các cá nhân, nghệ sỹ tại Liên hoan, Hội diễn sân khấu Múa Rối Toàn quốc
12. Giải tác phẩm sân khấu hạng B năm 2005.
13. Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2006.
14. Huy chương Vàng tiết mục "Múa phượng" tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ II tại Hà nội năm 2006.
15. Huy chương vàng cho vở "Hồn Quê" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ nhất - Hà Nội năm 2008.
16. Huy chương bạc cho vở "Chuyện Tò He" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ nhất - Hà Nội năm 2008.
17.Huy chương Vàng cho vở "Truyện cổ Anđecxen" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai - Hà Nội năm 2010
18. Huy chương Bạc cho tiết mục "Vịt con xấu xí" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai - Hà Nội năm 2010
19. Huy chương Bạc cho tiết mục "Hồn khí Thăng Long" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai - Hà Nội năm 2010
20. Huy chương Bạc cho tiết mục "Trăng trẻ thơ" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai - Hà Nội năm 2010
21. 10 Huy chương Vàng, Bạc - giải thưởng cho các cá nhân, nghệ sỹ tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ hai - Hà Nội năm 2010
22. Huy chương Bạc cho vở diễn "Alađanh và cây đèn thần" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần ba - Hà Nội năm 2012
23. Huy chương Bạc cho vở diễn "Không gian trắng" tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần ba - Hà Nội năm 2012
24. Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013
Nguồn: Nhà hát Múa rối Việt Nam