Chúng ta hãy tưởng tượng: Một ngày hè, mây trời cao, gió nhẹ, mặt nước chạy lăn tăn. Xung quanh một chiếc ao làng cây xanh tốt tươi, từng khóm hoa súng điểm tô. Giữa ao nổi bật lên chiếc sân khấu thủ đình màu sắc sặc sỡ. Những mái cong, ngói đỏ trông như một bông sen khổng lồ mọc lên từ trong nước.
Mặt nước in hình những làn mây trắng, trông tưởng như có hai bầu trời, những đám mây bông in hình dưới nước lững lờ trôi, luồn qua bóng thuỷ đình. Thỉnh thoảng một vài con cá sáng loáng động nước nhảy lên, cảnh thật là ngoạn mục.
Trên sân khấu những nhà hát hiện đại của Pháp và các nước Tây Âu, rối nước đã mất đi cái mặt nước nên thơ đó. Hàng trăm chiếc đèn chiếu rọi thẳng vào bể nước, tạo nên ánh sáng lung linh rực rỡ.
Hình thức nghệ thuật nào chẳng phong phú, đa dạng nhưng tựu chung lại cũng là mong đạt đến sự sinh động và sống thực. Rối nước đã có sẵn cái đó: Nước thực, ướt át thực, sinh động thực, cây cỏ hoa lá thực, cá thực… Tất cả những cái thực đó đã giúp đỡ con rối giả tạo nên cái sinh động cho không gian sân khấu rối nước.
Những điều trên nói về cái “thần” của không gian rối nước. Về mặt kỹ thuật, nước quả thật là người giúp đỡ trung thành của rối nước. Con rối xuất hiện từ dưới nước nhô lên rồi lại biến đi, “thoắt ẩn, thoắt hiện”, vừa ngạc nhiên vừa tiện lợi, chẳng thế có đạo diễn rối Nhật Bản đã thốt lên: “Cách xuất hiện, ra vào của rối nước tài tình và đơn giản quá. Rối cạn của chúng tôi phải tắt đèn, hoặc đẩy ra đẩy vào quanh cánh gà, thật phiền phức!”
Mặt nước còn là “kẻ đồng lõa” tích cực trong việc giấu kín tất cả bộ máy, cơ cấu hoạt động của con rối, trò rối. Thật là một cách giấu đơn giản, một phương thức lợi hại. Điều cơ bản của các hình thức là tìm phương thức che giấu cách điều khiển. Rối que, rối dây dùng màn che, rối đen dùng ánh sáng, rối bóng dùng sự in hình… Nói che giấu cách điều khiển là nói nôm na, chứ thực ra về mặt “học thuật” đấy là cách đặt vấn đề, sự sáng tạo ra một hình thức múa rối.
Những người nghĩ ra rối nước quả thật đã sáng tạo ra một phương thức điều khiển rối tuyệt vời. Chính vì lẽ này mà con rối dễ điều khiển và hoạt động linh lợi.
Có lần lưu diễn ở Pháp, các bạn Pháp cũng khoe và nói mình cũng có rối nước. Tìm hiểu ra thì đây là những vận động viên lặn đeo bình thở, lặn sâu dưới mặt nước để điều khiển những con rối. So sánh hai cách điều khiển của chúng ta thấy ngay cách nào đơn giản và có hiệu quả hơn. Rất tiếc là chúng ta chưa được xem loại rối này của Pháp, nhưng có lẽ nó là những trò chơi thể thao hơn là nghệ thuật.
Họa sỹ Ngô Quỳnh Giao