Cách nhìn mới đối với tạo hình rối nước dân gian.

05-07-2018 Lượt xem:

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            NSND Vương Duy Biên

        Lần đầu tiên (tháng 3 năm 1984), đoàn rối nước Việt Nam đặt chân đến Paris, Lyon, Macxay,… (Pháp) và một số thành phố của Italia đã được sự hâm mộ nồng nhiệt của mọi tầng lớp công chúng. Có thể nói, chưa có đoàn nghệ thuật nào của nước ngoài khi biểu diễn ở Paris đã khiến tất cả các báo (kể cả các báo cánh hữu) đều phải ca ngợi, dù ở mức dè dặt.

     

       Từ ngạc nhiên đến khâm phục, khán giả châu Âu đã dành cho môn nghệ thuật của chúng ta những tình cảm đặc biệt. Báo “Thế giới” với hàng tít lớn “Chớ bỏ qua! Múa rối nước thật tuyệt vời” hoặc “Đây là một cơ hội phát hiện và chiêm ngưỡng tất cả những kỳ quan của một nền nghệ thuật ngàn năm… nghệ thuật truyền thống? Nghệ thuật dân gian? Chắc chắn là như vậy” (Báo Bằng chứng công giáo – tháng 4 năm 1984), hay như nhận định của ông Serip Kaznada, giám đốc Nhà văn hóa thế giới: “Rối nước đã làm giàu cho di sản văn hóa nhân loại, ngăn chặn nguy cơ bị đẩy vào tình trạng “tiềm ẩn”, “bị lãng quên”… (tháng 3 năm 1984). Gần đây, múa rối nước Việt Nam cũng được hoan nghênh tại nhiều thành phố ở Nhật Bản và Ôxtraylia, Pháp, Đức, Anh, Thụy Sỹ,…

        Ở khắp nơi, rối nước của chúng ta luôn là một loại hình nghệ thuật được hâm mộ, ưu ái. Tại sao nó có sức mạnh ấy? Tại sao nó chinh phục được cả Tây Âu vốn có nền văn hóa lâu đời? Để tìm được câu trả lời, chúng ta trở về cội nguồn để phân tích, đánh giá trên quan điểm lịch sử.

    Bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi (Hà Nam Ninh) ghi… “Múa rối là trò du hý của vua nhà Lý trong lễ mừng thọ Vua…” (thế kỷ XII) có thể đã có. Vậy múa rối của chúng ta có một lịch sử khá dày, trên dưới 1000 năm.

     Đất nước Việt Nam, nông thôn Việt Nam với thiên nhiên phong phú của đồng ruộng phì nhiêu, với bạt ngàn lũy tre, với vô số ao chuôm, sông, rạch… và cuộc sống của người nông dân luôn gắn với những cảnh chăn trâu, chăn vịt, giã gạo, xay thóc… cảnh “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”…      Chính trong những cảnh vật ấy, tình cảm riêng biệt ấy mà múa rối nước ra đời. Chính đời sống gắn bó với sông nước ấy đã quy định hình thức độc đáo cho môn nghệ thuật này – múa rối nước và tạo hình múa rối nước.

      Môn nghệ thuật đó song song tồn tại với sự phát triển của điêu khắc cổ, rõ nét từ thời kỳ đầu của giai đoạn củng cố quốc gia phong kiến hưng thịnh – điêu khắc phật giáo Lý – Trần cho đến điêu khắc cung đình thời Lê và điêu khắc gỗ đình làng thời Lê Mạt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII, đặc biệt là vào thế kỷ XVII khi điêu khắc gỗ đình làng đang có chỗ đứng vững chắc).

       Người xem đến với múa rối nước trước hết nhìn nhận vẻ đẹp, dáng vóc bên ngoài của con rối. Con này là con gì? Nhân vật này là ai? Chính hay tà? Thiện hay ác?... Và rồi từ đó, chính những nhân vật ấy làm cho người xem nhìn thấy hoạt động của xã hội thu nhỏ rất sinh động… Nghệ thuật tạo hình được xem như một trong những đặc điểm hết sức quan trọng trong loại hình nghệ thuật này. Nó không những giúp người xem nhận ra diện mạo, hình thù của nhân vật (lịch sử đời thường) hay loài vật (long, ly quy, phượng) mà còn từ đó dẫn dắt người xem đến chỗ hiểu được ý nghĩa, nội dung của một tích hoặc một trò nào đó do chính “con rối” sắm vai.

      Nghệ thuật tạo hình rối nước là dáng dấp của truyền thống điêu khắc cung đình và nghệ thuật điêu khắc dân gian. Hai yếu tố này quán xuyến tất cả những trò cổ mà chúng ta được biết từ trước đến nay. Có thể chia làm hai loại chính:

  • Loại thứ nhất: Chịu ảnh hưởng của điêu khắc dân gian (thường thể hiện những nhân vật đời thường, như người úp nơm, đánh cá, vợ chồng thuyền chài, người xay lúa, giã gạo…)
  • Loại thứ hai: Chịu ảnh hưởng của điêu khắc cung đình (Loại này thường thể hiện các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Hai Bà Tưng, Trần Nguyên Hãn,… và các loại như rồng, phượng, hạc, lân…)

       Tuy thể loại phong phú, nhưng hầu như vẫn có một quan niệm chúng nhất về tạo hình: Tính cách rõ, có chất rối (làm trò), thích hợp với nước (từ kích thước, màu sắc, khối lượng cho đến máy móc bên trong)

Ta có thể xem ở mỗi thể loại vài tác phẩm chính để từ đó nhận định, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Ở thể loại điêu khắc cung đình, bộ “Tứ linh” (Long, ly, quy, phượng) và bộ “Bát tiên” là tiêu biểu hơn cả. Ở đây, chúng ta gặp lại diện mạo, những thần sắc như khi vào đình, chùa, miếu mạo. Màu sắc của sơn mài truyền thống cũng như dáng dấp và cách tạo khối cầu kỳ, kỹ lưỡng đều có thể miêu tả chi tiết mắt, mũi, lông, đuôi (như ở long, phượng,…) và nếp quần áo, nếp váy, áo (của tiên).

Khối ở thể loại này thường mịn màng, trau chuốt đôi khi tỉ mỉ. Đầu rồng, đầu lân, xiêm y của tiên mang tính trang trí rõ nét, kể cả ở màu sắc sơn son thếp vàng. Cái mạnh được tôn lên, khi dưới chân con rối là mặt nước sinh động, làm cho độ óng ả, ướt át của sơn mài truyền thống thêm lộng lẫy. Những hoa văn, họa tiết mà chúng ta đã gặp như ở chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, Văn Miếu… được đưa vào đầy đủ và được “rối hóa” sao cho phù hợp với rối, với cách biểu diễn (hoạt động của con rối), mà vẫn không mất vẻ đẹp truyền thống. Cái tài của nghệ nhân là vậy, đưa các mô – tip tôn thờ của đình, chùa miếu mạo ra làm “trò” cho quần chúng xem và người xem vẫn hoàn toàn chấp nhận.

Như ở trò Lê Lợi du thuyền chẳng hạn, nếu như đình chùa thờ Lê Lợi một cách tôn nghiêm, cung kính, thì ngược lại ở trò rối, người xem rất vui khi thấy Lê lợi chỉ là một ông tượng gỗ nhỏ biết mọi hoạt động, ngồi trên một chiếc thuyền rồng, rút cây gươm đeo bên mình chém xuống nước cho rùa vàng (Sự tích Hồ Gươm). Rõ ràng Lê Lợi là một vị vua, là người mở đầu một triều đại, song dưới con mắt của nghệ thuật tạo hình rối, vua Lê Lợi rất gần gũi với người dân bình thường. Mặt khác với sự tôn kính của người anh hùng dân tộc và trân trọng truyền thống lịch sử.

Tóm lại, thể loại mang dáng dấp điêu khắc cung đình là một trong những mảng mạnh của các trò rối. Mạnh ở trò diễn nhưng đồng thời cái quan trọng còn ở dấu ấn tạo hình đầy chất trang trí và có sức thu hút.

Thể loại điêu khắc dân gian chiếm khá nhiều trò điển hình của sinh hoạt nông nghiệp, của đời sống văn minh lúa nước như: thuyền chài, úp nơm, chọi trâu, chăn vịt, câu ếch, đi cầy, đi bừa… Khác với thể loại trên, ở đây, ở đây người xem được thưởng thức phong cách sáng tạo tạo hình khoáng đạt, tươi mát và ước lệ. Nếu như ở thể loại trên, sự tưởng tượng phong phú của nghệ thuật đạt đến đỉnh cao, thì ở thể loại này cách nhìn “thấy sao làm vậy” đã thấy người xem thấy sự tươi mát ngây ngô. Con rối được tước bỏ nhiều cái không cần thiết, để giữ lại những gì cần diễn đạt.

Ở trò “Vợ chồng thuyền chài” chẳng hạn, đôi vợ chồng có thân hình to thể hiện từ phần bụng lên là chính, nên to hơn rất nhiều so với phần dưới ngồi trên chiếc thuyền nan bé tẹo teo… Hoặc trò “Úp nơm”, hai người ngồi úp nơm thì bé nhỏ nhưng cá lại rất to (!) Như vậy, trò trên có hai vợ chồng là chính, và ở trò dưới cá là chính. Ở đây nghệ nhân thấy cái gì là chính thì làm to để người xem dễ nhận ra ngay.

Chính biện pháp không nệ thực đó đã làm cho con rối thêm sinh động. Cách sử dụng mạnh bạo, không thể gò bó. Làm nghệ thuật như chơi chơi mà như thật.

Chất lãng mạn, cách nhìn táo bạo được thể hiện rõ ở “Vợ chồng ông lão chăn vịt” ông thì đóng khố cởi trần, bà thì mặc váy đeo yếm… trong khi đó hở ra đôi vú dài… Thực đâu to thế? Nhưng ở “rối” các nghệ nhân cứ làm mạnh hơn ngoài đời một chút (nghĩa là cho yếm của bà bé đi) để cho người xem trông thấy đã phát cười – cái cười rất hóm hỉnh, thoải mái nhưng không dung tục.

Ở thể loại này, người xem bắt gặp những cảnh sinh hoạt, cảnh lao động, sản xuất bình thường của những người quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng được thi vị hóa.

Ở trò “Chọi trâu”, “Sinh hoạt nông nghiệp”,… con trâu đã được cách điệu được nâng lên rất gần với những con trâu trong tranh dân gian mà ta thường thấy ngày nay. Chúng được tạo khối đơn giản, dường như những con vật này cũng hiền lành, mộc mạc như chính con người vậy (tương tự như các con cá, con vịt, con cáo…)

       Nhìn chung, phong cách tạo hình của con rối chịu ảnh hưởng đầy đủ của điêu khắc truyền thống dân tộc, phát triển qua từng giai đoạn lịch sử. Tuy vậy, khi vào chất rối, nghệ nhân đã khéo chuyển đổi, thêm bớt để hình thành một loại hình khá đặc biệt phục vụ cho ý đồ sự dụng diễn trò. Cũng chính vì vậy mà các con rối ngoài ưu điểm vẻ đẹp khối, đẹp về màu… còn có cá tính nhân vật được khắc họa rõ nét. Những nhân vật chính – tà, thiện – ác đều được phân định rõ ràng (Liễu Thăng đối lập với Lê Lợi, quân giặc đối lập với quân khởi nghĩa). Cá tính nhân vật là một yếu tố được chú trọng trong khâu tạo hình. Các nhân vật bình dân như ông chăn vịt, anh câu ếch, cô đi cấy, chị úp nơm … đều có thần sắc khác nhau để nhằm biểu hiện rõ từng công việc của họ.

      Kết hợp với việc tạo khối, màu sắc cũng được dùng để tôn tạo cho tính cách thêm rõ. Màu sắc của rồng, lân, hạc, phải khác nhiều với trâu, vịt, cá. Mầu da, quần áo, mũ mãng của Lê Lợi phải khác với Liễu Thăng. Ngay cả khi phẩy một cái râu, chấm một con mắt cũng cần chú ý, cân nhắc… giúp người xem nhận ngay ra đâu là chính đâu là tà, đâu là phản diện, đâu là chính diện.

      Chất liệu sơn đã đóng góp rất nhiều để tạo nên sự quyến rũ cho con rối. Quả thật với không gian bao quanh tứ phía, mầu của sơn đã bộc lộ đẹp nhất với chất óng ả, mịn màng, lung linh và huyền ảo của nó.

Ngoài ra, cũng cần nhắc qua một số trò mang tính chất tôn giáo, mang yêu tố thần linh (sự nhảy đàn, ước thầm, mở lọng, tế lễ, cá hóa rồng,…) có mầu sắc và phong cách tạo hình ít nhiều phảng phất sắc thái của đồ chơi hàng mã. Cái giả để diễn tả rất thật, mà lại thành công, cũng gây cho người xem những giây phút xao động bâng khuâng.

       Trong rối nước, ngoài con rối chúng ta phải tính đến mặt nước, một yếu tố không thể thiếu. Tại sao cha ông ta lại sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật cần đến mặt nước? Phải chăng do đời sống quanh năm gắn bó với sông nước, ao hồ? … Mà rõ ràng nước là một yếu tố cự kỳ quan trọng, giúp cho con rối trở nên hoạt bát, sinh động, có hồn. Chính mặt nước giúp cho việc giấu những dụng cụ diễn xuất như sào, gậy, dây trong khi điều khiển những động tác của con rối.

      Vẻ mặt tạo hình, nước với tính chất phản quang và lòng ướt của mình để tạo nên sự ảo hóa hiện trường, làm lung linh, mềm mại, uyển chuyển và biến hóa rất đa dạng những hình khối, đường nét, mầu sắc của sơn son thếp vàng. Mặt nước chính là không gian của rối, mặt nước làm nền cho con rối, làm bệ cho con rối. Vì vậy cho dù mặt nước trong hay đục, thì sự sóng sánh ướt át của nó cũng là chỗ đứng, là nới trú chân tốt nhất cho những con rối đầy lãng mạn.

      Rõ ràng nước là một yếu tố không thể thiếu được trong rối nước đã làm cho con rối thêm đẹp, thêm sinh động, thêm sức lôi cuốn… Và con rối lúc đẹp nhất là lúc đứng trên mặt nước. “Nước và rối kết hợp hữu cơ với nhau, chúng cộng sinh, cộng hưởng để tạo hiệu quả”.

      Bên cạnh yếu tố nước, những yếu tố khác như pháo vịt, pháo hoa, trống, chiêng, mõ lộn, cờ xí, phướn, lọng,… cũng làm tăng thêm không khí đặc biệt cho loại hình nghệ thuật “độc nhất, vô nhị” này.

Ta thử tưởng tượng, những con rối ấy được trình bày trong viện bảo tàng hay một phòng truyền thống nào đó… Và cũng chính những con rối ấy được bày trong một không gian với những tiếng hò reo vang dội, những tiếng mõ, trống, pháo, cờ rộn ràng, … Và những con rối ấy lại cử động được với những động tác sinh động cười, nói, khóc, mếu … ta sẽ thấy hai hiệu quả khác nhau, hai giá trị thông tin khác nhau. Rối nước bày trong bảo tàng không thể có hiệu quả bằng khi bày trên mặt nước. Ngược lại khi chúng ở dưới nước, người xem cũng hiểu rõ hơn là khi chúng được bày trong tủ kính bảo tàng.

Tóm lại không gian của rối nước bao gồm những yếu tố trên, chưa kể vẻ đẹp của thiên nhiên như lũy tre, bờ ao, cỏ cây, hoa lá, trời xanh, gió thoảng… một không gian rất độc đáo, nên thở, trữ tình. Những con rối đó của chúng ta “lọt” vào đấy như lọt vào “một xã hội thu nhỏ”… mà ở đó, cái thực mà hư, hư mà thực luôn luôn đan quyện, khăng khít với nhau.

     Các cụ ta xưa đã khéo léo khai thác nghệ thuật điêu khắc truyền thống (cả hai dòng: điêu khắc cung đình và điêu khắc dân gian) để đưa vào nghệ thuật tạo hình rối những nét đẹp, những điều cần thiết làm cho nghệ thuật tạo hình con rối có những giá trị to lớn, đến nay đã vượt qua giới hạn quốc gia.

      Chúng ta tin rằng, với thành công ban đầu giành được (bộ rối của chương trình trò cổ đã công diễn ở Tây Âu từ năm 1984 đến nay), chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa nghệ thuật tạo hình rối nước phát triển lên một bước mới đầy hứa hẹn, với những con rối mang đầy đủ giá trị nghệ thuật cần thiết, kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại, giữa trân trọng và lưu giữ vốn quý truyền thống với tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái đẹp của đương đại hôm nay.