Bây giờ từ trong đến ngoài nước, hầu như ai cũng nói Múa rối nước là một nghệ thuật mang bản sắc độc đáo Việt Nam. Nhưng khoảng bốn chục năm về trước, vẫn có người trong nghề dẫn một quyển sách Tàu nào đó viết rằng ở Trung Hoa cũng có "thủy ối/khối lỗi", người ta biểu diễn con rối trong một bể nước, hay xây cạn bằng gạch đá, hoặc quây chét kín bằng lá tôn lá thép.....
Bây giờ thì gần như đã rõ: Múa rối có tính phổ quát toàn nhân loại (univesal) và được xếp vào loại nghệ thuật trình diễn (hay biểu diễn - démonstrative) mà mọi "nhân vật" xuất hiện trên sàn diễn (người, thú, cây cỏ, công/dụng cụ...) đều có tính biểu tượng (symbolic), nhân vi/tác (artificial), làm thu nhỏ lại (en miniature), người nghệ sỹ biểu diễn nói chung là khiếm diện/khuất lấp ( "leprésent absent" - như người Pháp nói) và điều khiển con rối bằng một mạng (net): dây, que, sào, gậy.....hay phối hợp tất cả các loại mạng đó. Do vậy, sau này về mặt văn hóa chính trị, "con rối" còn mang thêm một ý nghĩa biểu tượng nữa ( biểu tượng "kép" - double symbol) là những nhân vật chính trị - xã hội xuất hiện trên sân khấu cuộc đời nhưng bị "giật dây" ở phía sau hậu trường chính trị xã hội. "Bù nhìn" là một nhân vật có thực, một sáng tạo văn hóa của quần chúng, của nhân dân , nhân loại, "thực mà không thật" (vrai mais non re'el, như người Pháp nói), giả mà cứ như thật, kiểu bù nhìn cắm giữa ruộng dưa, ruộng lúa ....để đánh lừa lũ chim, chuột trông thấy cứ "tưởng thật": mà sợ mà xa tránh....và do vậy mà "bù nhìn" cũng có một ý nghĩa thực dụng - thực tế nào đó... Đấy, theo ý tôi, đó là một trong những cội nguồn của nghệ thuật sân khấu rối nhưng bản chất nó đã trở thành một thứ trò chơi, trước tiên là con trẻ kiểu trẻ con chơi búp bê (poupée pupet) chơi tiến sỹ giấy mà thuở bé tôi đã từng ham thích. Trò chơi nào cũng có cội nguồn thực tại rồi sau đó mới được văn hóa hóa để trở thành biểu tượng, mang nét nghĩa tượng trưng rồi nhằm những mục tiêu thỏa mãn những nhu cầu văn hóa như giải trí, giáo dục....và ở thời đại kinh tế thị trường thì còn có nhu cầu kiếm tiền, kiếm ăn....hay nói văn vẻ là nhu cầu kinh tế (mấy năm nay những đoàn Múa rối Việt Nam làm ăn có vẻ phát đạt lắm, chứ trước kia tôi biết rất rõ - vì tôi là bạn vong niên của các quý ông Hoàng Luận, Trần Nghĩa, Nguyễn Huy Hồng....cũng khó khăn lắm).
Tôi không đến nỗi là một kẻ duy vật tầm thường để đến mức cái gì cũng phải cắt nghĩa bằng hiện thực, bằng kinh tế....và chưa bao giờ tôi phủ nhận một cội nguồn khác của múa rối, của nghệ thuật nói chung, là nhu cầu tâm linh, tôn giáo - tín ngưỡng dân gian. Thì hệ thống tượng và tranh thờ của biết bao đền Thần, quán Thánh, chùa Phật, đình Thần - thành hoàng đấy thôi! Ở chùa Thầy chẳng hạn, thì đã từng chẳng có tượng đức "Thánh Từa" (Từ Đạo Hạnh) "có máy" dấu bên trong, có thể điều khiển chân tay mặt mũi "cứ như lúc Ngài còn sinh thời" là gì? Tượng "đức thánh Bối" (Bối Khê, Tiên Lữ, nay thuộc Hà Tây) nghe nói cũng là một ví dụ khác. Và "hình nhân thế mạng" của tín ngưỡng dân gian!. Tôi đã từng đi dọc dài ven biển và không ít lần nhìn thấy "hình nhân" bằng tre đan, phủ vải, sơn phết giấy bên ngoài của ngư dân làm lễ và kết thúc bằng việc thả quăng xuống biển.
Nhưng thôi, đấy không phải trọng tâm của bài viết. Tôi xin phép bạn đọc trở về chủ đề chính được ghi trên đầu đề bài viết.
02.1. Bây giờ từ trong đến ngoài nước, hầu như ai cũng nói Múa rối nước là một nghệ thuật mang bản sắc độc đáo Việt Nam. Nhưng khoảng bốn chục năm về trước, vẫn có người trong nghề dẫn một quyển sách Tàu nào đó viết rằng ở Trung Hoa cũng có "thủy ối/khối lỗi", người ta biểu diễn con rối trong một bể nước, hay xây cạn bằng gạch đá, hoặc quây chét kín bằng lá tôn lá thép.....
Tôi không tin lắm, song cứ cho là như thế đi nhưng chả có tài liệu nào nói đến múa rối nước ở Trung Hoa trên hồ - ao - sông nước phổ biến đến kỳ lạ như ở châu thổ miền Bắc Việt Nam.
Châu thổ Bắc Bộ, với mạng lưới dày đặc sông (>1km / 1km2) - hồ - đầm - ao là quê hương nguồn cội của nghệ thuật múa rối nước.
02.2. Tôi không rõ có ai làm thống kê và nghiên cứu về các nhà thủy đình múa rối nước chưa? (chắc có cụ Huy Hồng?). Riêng tôi chỉ biết một số, xin tạm kể:
- Ven Hồ Tây - Thăng Long Hà Nội: thuỷ đình ở đền Sóc, Xuân La.
- Xứ Đoài: Thuỷ đình ở chân núi Sài Sơn, chùa Thầy.
- Xứ Bắc: Ao rối trước chùa Tiêu Sơn - Tiên Du.
- Thủy đình trước cửa Đền Gióng ( Phù Đổng). Vài năm trước, khi Trung tâm tu bổ di tích TƯ dỡ nhà thủy đình này ra sửa, tôi và Trần Lâm Biển, Nguyễn Hồng Kiên đã thấy tận mắt nhiều cấu kiện gỗ với hoa văn điêu khắc và văn tự chữ Hán thuộc thế kỷ XVII.
- Xứ Đông: Đồng Minh Hải Phòng.
- Xứ Nam: thì ai mà chả biết những địa chỉ rối nước lừng danh Nguyên Xá - Thái Bình, Nam Chấn - Nam Định..v.v...
Đến xứ Nam - Đặc biệt đến Nguyên Xá (nhiều lần) - tôi mới "ngộ" ra rằng: Đây là những làng đầy ao, đầm. Nhẽ nào đó chẳng là quê hương phát tích của nghệ thuật múa rối nước cổ truyền!
02.3. Chân lý, một khi phát hiện ra rồi thì - nói như F.Enghen - thật là giản dị: một kinh thành sông nước bao quanh.
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này (Nam và Tây)
(Tôi đã mệnh danh - theo lý thuyết quy hoạch - rằng Thăng Long là một thành phố Sông - Hồ rút ra từ lời đầu ca từ bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi) một châu thổ (chứ không phải là đồng bằng đâu nhé!) đầy trũng (Địa hình Âm - GS Từ Chi bảo tôi không nên gọi "ô trũng" vì chữ "ô" gợi lên cái gì vuông vức, hình học quá, mà đây là các trũng tự nhiên: hình học không phải là cuộc đời) thế thì mặt nước là bề mặt sinh sống của cuộc Đời (với giá trị văn hóa: "Có phúc để con biết lội...") thì ắt cũng gợi cho người dân lấy mặt nước làm không gian nghệ thuật biểu diễn.
Nghệ thuật đua thuyền chẳng đã có từ thời đại Đông Sơn mà những hình thuyền chạm khắc trên tang trống đồng loại I Heger đó là gì? Và cho đến nay, giới khảo cổ đã phát hiện và khai quật hơn một trăm "thuyền mộ - mộ thuyền" ở những vùng trũng ven sông châu thổ Hồng Hà - Thái Bình đó là gì? Để ta có thể suy đoán hợp lý đó là táng thức tồn tại hàng ngàn năm của những cư dân sống ngâm da, chết ngâm xương rất đặc trưng của thế ứng xử sinh thái nhân văn vùng trũng. Lần đầu tiên tham dự một buổi biểu diễn rối nước của Nhà hát múa rối TƯ ở "đường Tàu Bay" gần Ngã Tư Sở, nhìn những nghệ sỹ - nghệ nhân phải ngâm mình dưới nước điều khiển tài tình các con rối với điển hình là chú Tễu dân gian đóng khố như dân chài, ngài Trường Chinh rất xúc động trước một nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc - dân gian nhưng không khỏi thương cảm các nghệ sỹ - nghệ nhân phải đắm nửa thân mình dưới làn nước lạnh (lúc bấy giờ là mùa Đông của thập kỷ 70) và góp ý cho lãnh đạo Nhà hát là làm sao "cải thiện" đời sống cho nghệ sỹ - nghệ nhân dân gian, chẳng hạn cung cấp cho họ áo quần nilon (Thời ấy là thời "bao cấp"). Tôi đứng gần cận đó, nghe thấy một nghệ nhân có tuổi, quê gốc Thái Bình trả lời: Dân chúng tôi quen sống ngâm da...rồi đồng chí Chủ tịch ạ!
Cố giáo sư Cao Xuân Huy nói đến triết lý nước của người Việt, còn tôi - học trò ngu dốt của Cụ - thì hàng chục năm nay đã bàn, đã viết và còn thuyết giảng ở các lớp sau đại học nữa về Tư duy sông nước của người Việt, về Đinh Bộ Lĩnh thuở thiếu thời đi mò tôm bắt trai ốc ở vùng Giao Thuỷ đêm về ngủ nhờ nhà chùa, về hai hoàng gia gốc dân chài Trần - Mạc! Khái quát lại cho có vẻ khoa học, tôi và GSVS nông học (vừa được phong Anh hùng lao động) đã nói đến các Hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam, rất đa dạng nhưng ở châu thổ Bắc Bộ thì hệ sinh thái nhân văn chính là các hệ Sông - Hồ - Đầm - Ao - Ruộng lúa nước.
Đó cũng chính là các hệ sinh thái nhân văn của Nghệ thuật Rối nước cổ truyền.
03. Bên trên (02.2) tôi đã nói đến các nhà thuỷ đình rối nước ở Thăng Long và các xứ Đông Nam Đoài Bắc của châu thổ Bắc Bộ Đình - Chùa - Đền thường ở ven sông hướng ra bến sông hay/ và Ao - Giếng (Giếng Thơi = Giếng Đất) trước cửa Đình - Đền - Chùa.
Đấy là các trung tâm tôn giáo - cũng đồng thời là các trung tâm lễ hội dân gian.
Nói về lễ hội, người ta thường nói đến:
Thái bình mở hội xuân
Nô nức quyết xa gần...
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân
(Lời thơ ghi trên bức tranh dân gian Du Xuân đồ)
Người ta nói đến cửa đình, đánh đu, hất phết, ...nhưng trong các bài và sách viết về lễ hội người ta còn ít nói đến Rối nước ở các ao - giếng Đình - Chùa - Đền, vừa là "hầu Thánh", "hầu Thần", "hầu Phật" vừa là để giải trí cho dân đi đám hội, đứng ngồi tụ bạ quanh bờ ao.
04.1. Nói đến Ao, tôi nhớ đến vài nhà thuỷ lợi học Pháp - Mỹ cứ cho đó là có nguồn gốc Trung Hoa: Ao là một từ Hán Việt, lõm xuống trái với chữ Đột lồi lên - là những từ tượng hình. (Xem Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh, trang 11). Ao chữ Nôm viết là (ý chỉ chỗ có nước, âm... xem Từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính, trang 107).
Nhưng Ao đâu chỉ có nguồn gốc Trung Hoa. Tiếng nước nào cũng có từ chỉ ao, tạm kể É'tang, Mare (Pháp), Pond (Anh Mỹ)...
04.2. Tôi cũng nghĩ đến câu khái quát VAC của GS nguyên viện trưởng Viện dinh dưỡng, V = Vườn, A = Ao, C = Chuồng trại. Ban đầu chỉ gọi là "công chức VAC" như một nét đặc trưng đã lâu của kinh tế phụ tiểu nông. Tôi đã hỏi GS Đào Thế Tuấn. Ông chỉ lắc đầu. Vốn tính bộc trực (có người bảo là "ngạnh trực") tôi thưa với GS Từ: Bác ạ, vì mối bận tâm của nông dân vẫn là Ruộng, còn nếu tính cả các nhân tố sinh thái khác thì còn có S (sông) có R (rừng) ...Bác Viện trưởng bảo: Nói VAC cho tiện! Sau này bác lại còn gọi là "Hệ sinh thái VAC" thì anh Tuấn và tôi "không chịu được" được nữa, bởỉ theo sinh thái học nhân văn, V và A, C là những hệ sinh thái khác nhau tuy chúng tương liên với nhau trong một khuôn viên trung nông bao gồm Nhà - Hiên - Sân - Vườn - Chuồng trại - Ao. Và ngõ xóm, và đường làng...
04.3. Ao là một hệ sinh thái nhân văn rất độc đáo của người Việt. Càng đi từ bắc (trung du) xuống nam (hạ du) châu thổ Bắc Bộ, Ao càng nhiều lên. Vì sao? Theo tôi, càng xuống miền trũng, người nông dân Việt càng phải "đào Ao vượt Thổ" để có mảnh đất cao xây cất Nhà và chỗ lún xuống thành nơi chứa nước để thực hiện nhiều chức năng: Nước tưới vườn, nơi rửa chân tay - nông cụ sau ngày làm việc ("có rửa thì rửa chân tay, chớ rửa lông mày chết cá ao anh"), nơi tắm ("ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"), nơi gánh nước tưới vườn, có khi còn tát cho vài thửa ruộng gần ao vào mùa khô hạn, quanh bờ ao trông sung (người ăn, cá ăn) trồng xoan làm nhà trông tre cò đậu, và làm nhà... Và mặt nước ao có nhiều tầng: Trên mặt thả bèo nuôi lợn, thả rau muống nuôi cả người (ngọn) cả lợn (cọng già) ("còn ao rau muống còn đầy chum tương" ngày trước là yên chí rồi), tầng dưới cá trắng, tầng thấp nữa cá đen rồi bùn ao đầy ốc, trê,...Dưới bùn ao ngâm xoan, tre cho khỏi mọt ("cóc kêu dưới vũng tre ngâm, cóc kêu mặc cóc tre dầm mặc tre") v.v...và v.v... Đấy là nói về lợi ích vật chất. Ao còn là nơi nghỉ làm, mát mẻ, nơi tâm sự ("Đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn trông sao sao mờ", "trúc xinh trục mọc bờ ao, em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh"...."con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao" v.v...)
04.4. Và ao trở thành nơi giải trí, tổ chức trò chơi, đua tài (nhiều nơi thi thổi cơm thi giữa ao, người thi ngồi trên thuyền thúng (thuyền tre nhỏ), đóng ba cọc xuống ao làm đầu rau bếp, trải rơm rạ trên mặt nước trong khoảng giữa ba cọc làm nơi nổi lửa thổi cơm). Đầm Tây Tựu đua thuyền.
05. Và như thế, tâm thức - kinh nghiệm - cảnh thức dân gian Việt Nam "một công đôi ba việc" nhiều làng đã biến mặt nước ao đầm thành sàn diễn Rối nước. Và có cả rối nước trên mặt nước một khúc sông, trước cửa đình đền chùa (nhìn ra sông) và ở dưới cây đa bến nước ("Ao rối" Tiêu Sơn vốn là một đoạn sông Tiêu Tương, quê hương thiên tình sử Trương Chi - Mỵ Nương, chảy qua trước cửa chùa Tiêu).
06. Rối nước của người Việt ra đời từ lúc nào thì tôi còn chưa rõ. Chỉ biết trên tấm bia chùa Đọi (Sùng Thiện Diên Linh tự tháp) có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) Nguyễn Công Bật đã mô tả một cuộc chơi Rối nước hoành tráng Trung Thu thời Lý Nhân Tông mà sàn diễn là một mặt nước sông Nhị (khi ấy còn gọi là sông Lô) ở dưới bến Đông Bộ đầu (chân đê dốc Hàng Than - Hà Nội, căn cứ theo tấm bia cổ hiện còn trong khuôn viên chùa Hoè Nhai).
Đấy là một buổi sớm mồng Ba, Trung Thu cảnh đẹp, muôn việc nghỉ ngơi. Vua tôi ngồi xe cùng trăm quan hướng Trường Lô sông biếc, ngự điện báu Linh Quang. Dưới sông ngàn thuyền đua bơi. Thả Rùa vàng đội ba quả núi trên mặt sóng dập dờn, phơi mai văn để lộ bốn chân dưới lòng sông lờ lững. (Rùa) liếc mắt nhìn bờ , hé môi phun bến, ngửa trông dải mũ nhà vua, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách (đá) dựng cheo leo, dạo nhạc Thiều réo rắt. Cửa động mở ra, thần tiên xuất hiện...vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thuý ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa , Hươu lành thành đội xênh xang...(1)
Theo tôi hiểu, đây đã là sự cung đình hoá, đế vương hoá nghệ thuật Rối nước dân gian - chắc phải có trước đó lâu nữa (trước thế kỷ XI - XII). Và cảnh múa rối trên lưng kim ngao, theo tôi vẫn là hồi ức (Reminiscence) của Huyền thoại Rùa Vàng cùng các cảnh Chim - Hươu trên Trống đồng Đông Sơn thuở xưa xa Âu Lạc Việt cổ. Hữu thức hay vô thức? Thì tôi không hay biết!
Xin tạm dừng bài viết ở đây.
Ngày Khai Hạ, Hạ nêu mồng 7 tháng Giêng Tân Tỵ (30 - 1 - 2001)
Trần Quốc Vượng