MÚA RỐI NƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP VĂN HÓA

14-05-2018 Lượt xem:

                                                                                                                  NSƯT Lê Thị Hồng Hà

                                                                            

           Nghệ thuật Múa rối phổ biến ở nhiều tộc người khác nhau trên thế giới và trong khu vực. Nhưng Múa rối nước hiện nay chỉ còn có ở Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Múa rối nước Việt Nam vẫn tồn tại đến hôm nay nhờ sự kế thừa, cha truyền con nối qua biết bao thế hệ. Đó chính là gốc rễ để Múa rối nước ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Múa rối nước Việt Nam được duy trì, diễn ra trên phạm vi rộng, ở nhiều địa phương khu vực châu thổ sông Hồng, phát triển cả ở các phường rối nước dân gian và Nhà hát múa rối chuyên nghiệp.  Có 28 phường hội rối nước dân gian thuộc 11 tỉnh/ thành đã từng tồn tại trong lịch sử nghệ thuật Múa rối nước Việt Nam như thống kê, thì đến hiện nay, có 15 phường đang duy trì hoạt động . Trong quá trình hoạt động, việc gìn giữ các giá trị truyền thống của nghệ thuật Múa rối nước dân gian luôn được các phường, các nhà hát chú trọng. Hiện nay, hầu hết các phường đang biểu diễn chương trình gồm 17 tích trò rối nước dân gian được Nhà hát Múa rối Việt Nam phục dựng. Việc nghiên cứu, sáng tạo cho Múa rối nước cũng được các phường đầu tư theo hai hướng: Thứ nhất, là phát triển trò rối mới, dựa trên tinh hoa của các trò rối cổ đặc sắc. Thứ hai, là trò rối mang tính hiện đại, với đề tài hiện đại.

          Giờ đây, khán giả có rất nhiều hình thức giải trí sôi động, hiện đại, sống động... Vì vậy, nghệ thuật Múa rối nước không thể không đổi mới. Nhiệm vụ của những người làm múa rối nước, bên cạnh việc tập trung vào bảo tồn những đặc trưng mang tính truyền thống của múa rối nước, thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, khôi phục, khai thác thêm các trò rối cổ để xây dựng những tích trò mới cho Múa rối nước, sáng tạo các tiết mục mới mang tính thời sự, thời đại, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của khán giả đương thời

Các hình thức  đề ra về phát triển nghệ thuật truyền thống Múa rối nước của Việt Nam  trên con đường hội nhập văn hóa có một số điểm sau:

 - Hỗ trợ nguồn lực, kinh phí, tạo cơ chế thuận lợi trong hoạt động và xã hội hóa, kêu gọi tài trợ bằng nhiều hình thức để các phường rối hoạt động ổn định, thường xuyên, nghệ nhân yên tâm hoạt động nghệ thuật.

- Thực hiện chế độ chính sách đặc biệt trong đãi ngộ, trọng dụng và phong danh hiệu cho các nghệ nhân, coi họ như bảo tàng sống, để họ có thể hết lòng trao truyền nghệ thuật cho con cháu.

- Đào tạo nhân lực, đội ngũ diễn viên, lý luận phê bình, đạo diễn... một cách có hệ thống, phù hợp đặc thù loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc.

- Quy hoạch và xây dựng các phường rối nước toàn quốc, gắn với phát triển du lịch, coi mỗi phường là một trong những điểm đến văn hóa độc đáo của du khách trong và ngoài nước.

- Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế cụ thể theo kế hoạch từng năm, ưu tiên phát triển các mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước trong khối ASEAN và trên thế giới, theo phương châm vừa tiếp nhận, chủ động giới thiệu quảng bá nghệ thuật Múa rối nước của Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh quan hệ với các nước có các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản... cũng bị ảnh hưởng theo xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc quảng bá, tuyên truyền nghệ thuật Múa rối nước cũng như nghiên cứu cách bảo tồn, phát huy và phát triển bộ môn nghệ thuật này.

-  Đẩy mạnh hoạt động giao lưu, liên kết giữa các phường rối, tăng cường giao lưu, hội nhập văn hóa thông qua việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật Múa rối nước ở nước ngoài cũng như các buổi biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật truyền thống, Múa rối của nước ngoài tại các Nhà hát. Nội dung giao lưu với các đoàn nghệ thuật quốc tế, ngoài biểu diễn nghệ thuật, cần chú trọng đến việc tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kỹ năng nghiệp vụ với cơ quan quản lý, các đơn vị nghệ thuật của bạn.

- Xây dựng chiến lược quảng bá nghệ thuật của dân tộc gắn với phát triển du lịch trong quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế. Hiện nay, xu thế hoà nhập của các nền văn hoá dân tộc vào nền văn hoá chung của nhân loại đang trở thành một yêu cầu, một nghĩa vụ và phải được nâng lên một tầm cao mới. Việc tạo ra những phương cách giao lưu văn hoá thích hợp, vừa hoà nhập vào sự xích lại gần nhau giữa các nền văn hoá Đông - Tây,  đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, trong đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nghệ sĩ và khán giả am hiểu giá trị văn hóa của Múa rối nước; kết hợp với việc đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật, phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường và quy luật giao lưu, tiếp biến văn hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam