Thiết kế tạo hình, trang trí mỹ thuật trong nghệ thuật Múa rối.

05-02-2018 Lượt xem:

 

                                                                                                                                                   Họa sỹ, NSƯT Đặng Ánh Ngà

       Múa rối là bộ môn nghệ thuật trình diễn mang tính tổng hợp cao. Trung tâm của sân khấu múa rối (SKMR) là các con rối. Không có rối sẽ không có SKMR – bộ mặt của SKMR chính là kết quả của thiết kế tạo hình mỹ thuật và kỹ thuật biểu diễn của diễn viên.

       Múa rối ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu song chưa một ai khẳng định là múa rối có từ bao giờ, ở đâu. Nội dung ghi tạc trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh (năm 1121) ở Núi Đọi (thuộc tỉnh Hà Nam) dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 cho biết có “...các trò múa rối được trình diễn trong lễ mừng thọ nhà Vua...” với kết quả được ghi tạc trên bia đá, chứng tỏ kỹ năng nghề rối cũng như nghệ thuật múa rối thời đó đã đạt trình độ cao, rất điêu luyện và có nhiều dày thời gian hoạt động.

       Xa xưa vì không có chữ viết, nên ông cha ta không lưu lại cho hậu thế những sự kiện quan trọng. Khi có chữ để ghi chép, lúc đó mới lưu lại cho con cháu đời sau – trong đó có nghề múa rối (trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh) đã hoạt động như thế nào. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng (tại Bắc Ninh, ngày mùng 9 tháng 4 năm 2002): di chỉ tại Chùa Pháp Vân cho biết hoạt động múa rối đã có ở cuối thế kỷ thứ 2, đầu thế kỷ thứ 3. Xét về quy luật phát triển tự nhiên, đương nhiên múa rối phải có từ sớm hơn. Điều này chỉ có thể phán đoán dựa trên truyền thuyết dân gian. Nghề múa rối có thể manh nha xuất hiện từ thời Hùng Vương. Truyền thuyết thần rùa từ dưới sông nổi lên trao móng cho An Dương Vương làm bẫy nỏ, rồi thần Bạck Kê phá thành ốc, phải chăng đó là hình ảnh trò múa rối nước, múa rối cạn.

      Là bộ môn nghệ thuật mang tính tổng hợp, trên sân khấu múa rối có mặt các bộ môn nghệ thuật: điêu khắc, hội họa, kiến trúc, âm nhạc.v.v... Múa rối thuộc hình thái NGHỆ THUẬT ĐỘNG: khán giả tiếp thu múa rối ở trạng thái động như đối với điện ảnh, ca, múa, nhạc.

      Đặc trưng của nghệ thuật múa rối là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình với nghệ thuật biểu diễn. Nói đến nghệ thuật múa rối không thể không đề cập đến công việc sáng tạo của họa sỹ thiết kế. Để có được trò diễn trên sân khấu, không thể thiếu sự đóng góp của họa sỹ đồ họa cho bộ môn nghệ thuật này.

      Múa rối có nhiều thể loại thiết kế tạo hình rối và sân khấu. Việc thiết kế tạo hình, trang trí sân khấu múa rối có giá trị trong việc đóng góp kết quả cho tiết mục. Thiết kế tạo hình múa rối đóng góp sự tạo nên nghệ thuật múa rối.

       Quyết định thể loại rối, hình thức sân khấu trước hết dựa vào kịch bản, sau đó đến ý đồ dàn dựng tiết mục của đạo diễn. Việc thiết kế tạo hình, trang trí mỹ thuật cho vở diễn cần có sự thống nhất, đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật giữa đạo diễn và họa sỹ.

       Trên sân khấu múa rối truyện diễn ra thường là cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại...vì vậy múa rối được trẻ em yêu thích và nó là sân khấu cho khán giả nhỏ tuổi.

      Múa rối Việt Nam xưa hoạt động lưu truyền trong dân gian theo phường hội bao gồm cả rối nướcrối cạn. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “...Tân Dậu năm thứ 12, mùa xuân tháng Hai, lấy ngày sinh nhật của vua làm tiết Thiên Thành, lấy tre kết thành muổng chạy muôn vẽ kỳ lạ...” (Nguyễn Huy Hồng – Rối nước Việt Nam”, Nhà xuất bản Sân khấu, 1996). Qua đó chúng ta thấy công việc thiết kế tạo hình của các nghệ nhân xưa rất công phu, đáng để chúng ta nghiên cứu, học hỏi.

     Tạo hình rối dân gian do các nghệ nhân nông dân đảm nhiệm – những người có tay nghề giỏi và là những người xây dựng nền đền, chùa, đình, đài, khắc nạm nên những pho tượng thần, Phật thời xưa.

      Do hoàn cảnh địa dư, khí hậu cùng điều kiện sống, lao động, múa rối Việt Nam được sáng tạo với đặc trưng riêng, không giống múa rối ở các nước láng giềng. Tuy múa rối dân gian có rối nước và rối cạn, song múa rối nước lưu truyền và hoạt động có thể mạnh hơn. Điều này được minh chứng qua sự tồn tại, hoạt động và số lượng trò, tích múa rối nước được lưu truyền đến nay. Môi trường thiên nhiên, điều kiện khí hậu là nôi sinh của múa rối nước. Cuộc sống lao động nông nghiệp là điểm tựa, là vốn tư liệu sáng tạo cho sân khấu múa rối nước.

      Tạo hình múa rối nước dân gian vừa dung dị, vừa hiện thực. Nghệ nhân tạo hình rối với niệm rõ ràng là mô phỏng con trò theo phương thức ước lệ, nhằm biểu đạt nội dung thể hiện. Tạo hình trên cơ sở thực tế nhưng không lệ thực một cách khô cứng. Điều đó rất phù hợp trong sự hòa quyện giữa tạo hình rối thiết kế máy điều khiển cử động của con trò. Rối là con trò nên có dáng vẻ vui nhộn, hài hước (như nhi đồng hý thủy, ông bà lão chăn vịt), đồng thời cũng thể hiện ước mơ của người sáng tạo ra nó, mong mỏi về thành quả lao động của mình (trò đánh cá với đàn cá vừa to, vừa béo) – đó là những khát vọng thực tế của người lao động.

      Những nghệ sỹ điêu khắc dân gian là người tạo tạc con rối, nhưng con rối có sức sống riêng và rất sinh động. Là con trò nên bố cục, cấu tạo, dáng vẻ hoàn toàn khác biệt với tượng Phật, tượng Thánh trong đình, chùa. Tượng Thần, Phật cấu tạo khối liền, bố cục với dáng vẻ uy nghiêm cho việc thờ cúng tôn nghiêm. Ngược lại, rối bố cục đa dạng (mô phỏng hình dáng người đang lao động sản xuất), có các khớp nối để có thể cử động khi điều khiển máy. Tinh thần của rối hài hước, vui nhộn, ngộ nghĩnh. Màu sắc cho tượng là sơn son, thếp vàng, còn rối được sơn vẽ nhiều màu hơn. Việc sơn thếp cho rối cũng tùy trường hợp.

     Múa rối dân gian bị đứt đoạn một thời gian hoạt động do hoàn cảnh lịch sử: quân xâm lược nhà Minh (1406) khi đô hộ nước Nam muốn hủy diệt văn hóa bản địa để đồng hóa dân tộc Việt. Múa rối dân gian cũng lâm vào hoàn cảnh chung đó. Các triều đại phong kiến sau này quan tâm đến phát triển văn hóa, nhưng chủ yếu là văn học và sân khấu Tuồng (vào thời Nguyễn). Múa rối vẫn hoạt động và lưu truyền trong dân gian. Một số phường nổi tiếng được vời vào kinh đô biểu diễn, nhưng cũng chỉ có vậy, không được quan tâm hơn.

    Vào thời Hậu Lê (1533 – 1788) hoạt động văn hóa được quan tâm, trong đó có múa rối, nên thủy đình được xây ở chùa Thầy (Hà Tây) để biểu diễn múa rối nước vào dịp lễ hội hàng năm.

    Ngày 12/3/1956 ngành múa rối có bước phát triển mang tính lịch sử - theo lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đã ký Quyết định hoạt động chuyên nghiệp, được Nhà nước bao cấp tài trợ. Thiếu nhi Việt Nam có sân khấu riêng của mình. Múa rối chuyên nghiệp hoạt động song song với múa rối dân gian, học tập, rút kinh nghiệm múa rối dân gian kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm học hỏi từ múa rối các nước bạn quốc tế bổ trợ cho sáng tạo và hoạt động nghệ thuật của mình.

  • Múa rối bước vào hoạt động chuyên nghiệp nên “bếp núc” có nhiều đổi mới:
  • Nhiều cán bộ chuyên môn và diễn viên được đào tạo, truyền nghề do các chuyên gia nghệ thuật nước bạn hướng dẫn (Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc).
  • Đào tạo diễn viên ở các nước bạn theo chương trình đại học hoặc tham quan, thực tập (Tiệp Khắc, Rumania).
  • Tham gia Liên hoan và Hội nghị Quốc tế chuyên đề về múa rối.
  • Trao đổi đoàn biểu diễn nghệ thuật múa rối theo đường trao đổi văn hóa Nhà nước.

    Những hoạt động trên đã nâng cao nghề nghiệp cho múa rối cạn rất nhiều. Một thời sân khấu múa rối cạn đã được khán giả (kể cả người lớn) hết sức hâm mộ với hàng loạt tiết mục ở các thể loại múa rối:

  • Rối tay (Đồng ca Trống cơm, Dưới đáy Đại dương, Dê trắng – Dê đen...)
  • Rối que (Thạch Sanh, Nùng Phai – Gau Dự, Tấm – Cám, Đăn Noi...)
  • Rối dây (Mây và Ly, Đánh đu)
  • Rối bóng (Rùa và Hạc)
  • Rối dẹt (Chiếc áo hoa)
  • Rối tạp kỹ (Múa cờ, Múa Sư tử, Hồ Thiên Nga, Kalinka...)
  • Rối mặt nạ (Mây và Ly, Thánh Gióng, Hai cây phong, Đấm bốc,...)

     Với những trò rối cũng như tiết mục dài ở nhiều hình thức sân khấu và thể loại tạo hình múa rối, công việc thiết kế cũng phát triển song hành với nghệ thuật biểu diễn. Đáng tiếc, những  tiết mục múa rối thành công trước đây không còn. Rối và cảnh bị mục nát, phải vứt bỏ hoặc một số bị đem bán. Việc xây dựng bảo ràng múa rối lúc này thật khó khăn. Thế hệ những người làm múa rối ngày nay không được biết gì về công việc lớp cha chú đã đạt được trong hoàn cảnh đầy khó khăn của thuở ban đầu, nhưng rất vinh quang của múa rối chuyên nghiệp.

     Từ kịch bản văn học đưa lên sân khấu thành tiết mục biểu diễn có nhiều việc phải quan tâm. Trước hết, kịch bản đó phải có điều kiện để tạo dựng trò, phải là kịch bản cho hành động (không chỉ đối thoại). Các nhân vật rối có cấu trúc hình thể sinh động trong hoạt động. Một kịch bản có lời thoại hay, cấu trúc hấp dẫn, ly kỳ... chưa chắc đã phù hợp cho sân khấu múa rối, nếu không tạo điều kiện hoạt động diễn xuất của các nhân vật trên sân khấu (rối lúc đó chỉ có tác dụng như các hình hài minh họa cho kịch bản văn học trên sân khấu mà thôi).

     Nhân vật kịch đưa lên sân khấu múa rối cần có điều kiện để có thể nhấn mạnh (khoa chương, phóng đại, đương nhiên phải trên cơ sở thực tế) để khán giả (nhất là trẻ nhỏ) có thể tiếp thu. Sự sáng tạo trong thiết kế tạo hình, trang trí mỹ thuật phải được dựa trên cơ sở thực tế.

    Sân khấu múa rối tuy dành cho khán giả nhỏ tuổi, song không vì vậy có thể tùy tiện, thiếu cẩn trọng trong sáng tác, cũng như bừa, ẩu trong thể hiện nghệ thuật. Hơn nữa, với đặc trưng và sự phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện sân khấu múa rối có thể “gánh” và chuyển tải được rất nhiều vấn đề mà người làm múa rối muốn thể hiện. Sân khấu múa rối cũng đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật cho khán giả lớn tuổi. Để có được tiết mục hay cho múa rối, thực không đơn giản, dễ dàng. Điều đó phụ thuộc vào tài năng, sự mẫn cảm, nhạy cảm nghệ thuật của người nghệ sĩ múa rối.

      Thiết kế tạo hình, trang trí mỹ thuật cho sân khấu múa rối không như với sân khấu diễn viên (kịch nói, chèo, tuồng). Múa rối chuyên nghiệp hoạt động đã ngót nửa thế kỷ, song không ít người còn lầm tưởng thiết kế tạo hình, trang trí cho rối đại loại cũng như hóa trang và phục trang cho sân khấu người. Chỉ cần tạo phôi rối, may phục trang, rồi hóa trang cho rối, mặc quần áo xong sẽ có nhân vật rối. Thậm chí có trường hợp tạo được phôi, sau đó đi mua giầy, dép, quần áo trẻ em mặc vào phôi – không thực hiện mỹ công theo phác thảo mẫu của họa sỹ - việc làm do chưa thấu hiểu nghề hoặc ẩu, bừa, tùy tiện trong quá trình thực hiện sáng tác tạo hình, trang trí mỹ thuật đã góp phần tích cực trong việc “nghiệp dư hóa” múa rối chuyên nghiệp.

     Múa rối nước là sản phẩm nghệ thuật trong kho tàng văn hóa dân gian, truyền thống cần trân trọng bảo tồn và phát huy. Song với múa rối cạn lại là mảnh đất phì nhiêu cho những người làm múa rối khai khẩn, sáng tạo nghệ thuật. Thiết kế tạo hình, trang trí mỹ thuật cho múa rối đóng vai trò tích cực trong sự thành bại cho bộ môn nghệ thuật này. Mỹ thuật tạo hình, trang trí cho múa rối tạo điều kiện thăng hoa, hỗ trợ sự thành công cho đạo diễn và diễn xuất hoặc ngược lại.

     Trong nghệ thuật múa rối có sự tổng hợp cao của các bộ môn nghệ thuật khác, kết quả của nó mang tính tổng hợp. Do đó cần sự thống nhất và đồng bộ trong tập thể nghệ sỹ sáng tạo. Trong đào tạo cũng cần sự đồng bộ: biên kịch, đạo diễn, thiết kế tạo hình mỹ thuật, diễn viên. Việc đào tạo đồng bộ không chỉ phải chú trọng cho riêng múa rối chuyên nghiệp, đối với múa rối dân gian cũng cần được quan tâm. Năm 2002 vừa qua với sự tài trợ của quỹ Ford, cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chủ trì trọng việc hỗ trợ, đào tạo nghệ nhân kế tục cho các phường múa rối dân gian ở lưu vực sông Hồng: một loạt các nghệ nhân trẻ được đào tạo, buổi biểu diễn của các phường không khí sôi động hẳn lên. Nhưng trong việc tạo hình, thiết kế mỹ thuật lại bộc lộ một số điều không thể bỏ qua, đó là các con rối sơn son, thiếp vàng rất “chuyên nghiệp”. Bộ mặt mỹ thuật của sàn diễn múa rối dân gian trở nên lổn nhổn – Thật đáng tiếc! Song lại có những phường tạc những con rối trông khá “ghê ghê”, vì nó thật quá (như giáo cụ trực quan cho học sinh), làm ảnh hưởng đến sự thăng hoa hồn nhiên của sân khấu múa rối nước. Thêm vào đó là mầu sắc nhạt nhờ với hàng loạt các chi tiết vụn vặt, người xem chỉ có thể “xem” được khi ngồi gần với điều kiện rối ở thể tĩnh trên bãi cỏ (những gì là ước lệ, là khái quát, là mô phỏng,v.v... của tạo hình rối dân gian không còn, sự hòa hợp, gây ấn tượng và duyên dáng của ngũ sắc cũng mất).

    Thời gian dài vừa qua, các đơn vị múa rối đã hoạt động rất kết quả trong việc trình diễn chương trình múa rối nước dân gian truyền thống ở trong và ngoài nước. Được khán giả khắp nơi mến mộ. Đồng thời, múa rối cạn hầu như chẳng được quan tâm. Nếu chỉ diễn múa rối nước dù độc đáo và chúng ta cũng vô cùng hãnh diện về nó, nhưng với những người làm nghề múa rối sẽ dần dần trở thành các nghệ nhân thủ công sản xuất rối và điều khiển máy cử động rối nước, chứ không thành nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật múa rối.

     Tạo trò mới cho sân khấu múa rối nước phải dựa trên thực tế cuộc sống, cũng như ông cha ta đã sáng tạo trước đây. Hoàn cảnh thực tế cuộc sống xã hội hiện nay ở các thành phố không phải là môi trường để sáng tạo trò cho múa rối nước. Với đặc tính, đặc thù của sân khấu múa rối nước để xây dựng một vở kịch rối có cốt truyện, cần có không gian, bối cảnh nhằm chuyển tải nội dung không đơn giản nếu không có sự kết hợp với múa rối cạn. Chính vì vậy, chúng ta – những người làm múa rối – không nên bỏ qua sân khấu múa rối cạn vô cùng đa dạng, phong phú về mọi phương diện trong sáng tạo nghệ thuật cho bộ môn kịch chủng này.

      Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, sân khấu múa rối không chỉ đứng một mình, xung quanh nó còn có bao sự hấp dẫn khác, lôi cuốn khán giả nhỏ tuổi. Không như xưa kia, khán giả đến với múa rối, ngày nay múa rối phải tìm đến khán giả. Sân chơi này thực sự khó khăn. Để có được kết quả, mọi sự đều trông chờ vào sự lao động sáng tạo không mệt mỏi của những người làm múa rối chúng ta.