Tháng 3 hàng năm là dịp các nghệ sỹ múa rối chuyên nghiệp Việt Nam nói chung và Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng tổ chức kỷ niệm ngày Bác Hồ kính yêu ra chỉ thị thành lập ngành rối Việt Nam năm 1956 "Cần có Đoàn Múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười", câu nói này của Bác như là kim chỉ nam theo suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của các đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp trên cả nước trong suốt 60 năm qua.
60 năm, một chặng đường chưa phải là quá dài nhưng cũng đủ để ghi lại những thăng trầm, những dấu son nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sỹ, diễn viên. 7 nghệ sỹ đầu tiên được ví như những viên gạch đặt nền móng cho nghệ thuật múa rối Việt nam, từ năm 1956 đến nay đã có hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp trên cả nước và rất nhiều các nghệ nhân tại các phường rối đang cùng nhau hoạt động đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật múa rối Việt Nam qua từng thời kỳ.
Chúng tôi, thế hệ nghệ sỹ trẻ đang tiếp tục kế thừa và đóng góp cho sự nghiệp múa rối chuyên nghiệp nước nhà, trong những năm qua đã được gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với nhiều thế hệ nghệ sỹ múa rối lão thành, những người đã đóng góp nhiều trí tuệ, công sức, mồ hôi, nước mắt... cho sự phát triển của ngành rối Việt Nam trong suốt 60 năm qua để thế hệ nghệ sỹ chúng tôi hôm nay được thừa hưởng một truyền thống làm nghề, một cơ sở làm việc, nơi mà các nghệ sỹ vẫn ngày đêm hăng say luyện tập, sáng tạo nghệ thuật với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Rối Việt nam đã từng bước trưởng thành, điều đó được thể hiện qua số lượng, chất lượng nghệ thuật của những chương trình biểu diễn phục vụ khán giả, những vở diễn được bạn nghề thẩm định và những thành tích nghệ thuật qua các kỳ Liên hoan, Hội diễn trong nước cũng như quốc tế góp phần đưa nghệ thuật Múa rối lên tầm cao mới, từng bước khẳng định chỗ đứng trong đời sống văn hoá nghệ thuật nước nhà.
Nhìn lại chặng đường đã qua, dù trong chiến tranh ác liệt cũng như thời kỳ đổi mới, các thế hệ nghệ sỹ múa rối cả nước vẫn hăng say sáng tạo nghệ thuật, yêu nghề, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để tạo nên những thành quả nghệ thuật của mỗi thời kỳ với những thăng trầm của từng giai đoạn cụ thể, đó là những nhân chứng sống, những tấm gương, những tác phẩm, vai diễn có thể nói là để đời, những bài học để thế hệ trẻ chúng tôi bước tiếp.
Bản thân tôi trưởng thành từ một nghệ sỹ biểu diễn và hiện nay đang làm việc với vai trò là một đạo diễn trẻ của Nhà hát Múa rối Việt Nam tôi đã trực tiếp tham gia nhiều chương trình cũng như vở diễn phục vụ công chúng trong những năm vừa qua, tôi thấy múa rối đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng đặc biệt là đối tượng khán giả là thiếu niên nhi đồng, các chương trình dành cho thiếu nhi ngày càng đa dạng, phong phú về thể loại với những bài học giáo dục nhẹ nhàng, gần gũi, các nghệ sỹ Múa rối đã biết đi đúng vào tâm lý, sở thích của con trẻ và điều đáng nói ở đây là các chương trình múa rối cho thiếu nhi bắt đầu cạnh tranh được với băng đĩa, truyền hình... điều này thấy rõ qua các buổi biểu diễn của phục vụ ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 cũng như Tết Trung thu hàng năm tại Nhà hát Múa rối Việt Nam lúc nào cũng đông khách (Trong khoảng 15 ngày Dịp 1/6 hàng năm - 3 Đoàn diễn của Nhà hát đã khai thác được khoảng 120 xuất diễn; Trong 1 tuần dịp Tết trung thu hàng năm đã khai thác khoảng 80 xuất ) và những dịp này các Nhà hát và đoàn Múa rối địa phương cũng hoạt động không kém, điều này để thấy chương trình, vở diễn cũng như rạp biểu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam lâu nay đã là địa chỉ tin cậy hàng năm không những của các khán giả nhỏ tuổi mà còn phụ huynh của các cháu nữa. Chúng tôi luôn tâm niệm khi dàn dựng chương trình cho thiếu nhi là: thông qua chương trình nghệ thuật, trước hết là giới thiệu nghệ thuật múa rối đến với công chúng, trong quá trình biểu diễn hãy biến sân khấu biểu diễn và khán giả thành không gian nghệ thuật theo từng chủ đề của chương trình và qua chương trình yếu tố giáo dục thẩm mỹ đối với thiếu nhi là rất quan trọng.
Trước đây sân khấu khung tranh đi liền với thể loại rối que cùng với dấu ấn của nhiều vở diễn múa rối qua từng thời kỳ, thì khoảng từ năm 1990 hình thức biểu diễn đã có nhiều thay đổi đặc biệt là khoảng 20 năm trở lại đây, khung tranh được mở rộng, các vở diễn đã được khai thác theo hình thức sân khấu mặt bằng, chương trình tạp kỹ với sự kết hợp của nhiều thể loại rối, đôi chỗ thậm trí vay mượn một số loại hình nghệ thuật khác một cách hợp lý để tạo nên sức hấp dẫn cho khán giả (như múa, xiếc , ảo thuật...), điều này đòi hỏi ê kíp sáng tạo và nghệ sỹ biểu diễn cũng phải thay đổi về tư duy, hình thức, cách thức thể hiện, vận dụng và kết hợp thế nào cho sân khấu múa rối hấp dẫn và điều quan trọng là phải biến tất cả những thay đổi đó cho phù hợp với đối tượng của chương trình hướng tới chất lượng nghệ thuật, mang tính nghề nghiệp, giáo dục thẩm mỹ cao.
Hiện nay với xu thế hội nhập giao lưu trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật thì cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đối tác cũng như bạn nghề trên thế giới là rất quan trọng và bổ ích, theo suy nghĩ của tôi thì sự phát triển của sân khấu thế giới nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng cũng là một yếu tố quan trọng cho sự nhìn nhận, tham khảo để Múa rối Việt Nam không bị lạc hậu so với tương quan chung của sân khấu múa rối quốc tế, ngoài ra nhịp sống đương đại cũng sẽ làm cho múa rối gần gũi với đời sống hơn cũng có nghĩa là sẽ đưa múa rối đến gần với nhu cầu thưởng thức của công chúng hơn, hơi thở cuộc sống đưa vào sẽ làm cho các tiết mục múa rối không lỗi nhịp mà đâu đó còn đem đến sức sống mới cho tiết mục và quan trọng là không làm mất đi cái cốt lõi của vấn đề đó là bản sắc.
Khán giả là đối tượng nhắm đến của bất kỳ một chương trình hay vở diễn nào, xuất phát từ thực tế hoạt động múa rối những năm qua, thời gian này các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam đang tiếp tục muốn mở rộng đối tượng khán giả, không chỉ phục vụ thiếu nhi và khách du lịch mà còn hướng tới những đối tượng khác như sinh viên, người cao tuổi... Thông qua các chương trình đã được đổi mới, nâng cao cho phù hợp với nội dung cũng như đối tượng mà Nhà hát nhắm tới, ngày nay người làm rối đã nghĩ ra nhiều trò diễn để hấp dẫn khán giả, sân khấu rối bây giờ đã có thêm nhiều yếu tố giải trí mà giá trị giáo dục không hề bị giảm.
Trong thời gian vừa qua Múa rối nước và Múa rối cạn đã được các nghệ sỹ Múa rối Việt nam giới thiệu những chương trình, vở diễn đã để lại trong lòng công chúng cũng như bạn bè đồng nghiệp những ấn tượng tốt đẹp, đây được xem là những chương trình, vở diễn, trò diễn đã kết hợp nhiều yếu tố tạo nên thành công như:
Chương trình múa rối nước kết hợp nghệ thuật sắp đặt "Hồn quê" (Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội -2008)
Chương trình múa rối nước "Truyện cổ Andersen" (Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ II, Hà Nội - 2010)
Chương trình múa rối cạn "Nhịp điệu quê hương" (Giải duy nhất GRAND PRIX cho Chương trình hay nhất tại Liên hoan Múa rối Thế giới tổ chức tại Thái Lan 2014)
Vở múa rối dây "vũ điệu hoa quỳnh" (Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV, Hà Nội - 2015) ... của Nhà hát Múa rối Việt Nam
Vở diễn múa rối nước " Huyền thoại Tiên Rồng" (Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội - 2008)
Chương trình múa rối nước "Linh thiêng hai tiếng đồng bào" (Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần III, Hà Nội - 2012)
Chương trình múa rối nước "Bay lên từ mặt nước" (Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần IV, Hà Nội - 2015)... của Nhà hát Múa rối Thăng Long
Chương trình múa rối cạn "Giai điệu ký ức"
(Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần III, Hà Nội - 2012)
Chương trình múa rối cạn "Bạch Tuyết và bảy chú lùn"
Chương trình rối nước kết hợp với rối cạn "Giấc mơ của Ếch xanh"... của Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng
Chương trình múa rối cạn "Ngày Hội buôn làng"
(Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần II, Hà Nội -2010)... của Đoàn Múa rối Đắk Lắk.
Mọi người vẫn thường nói vui rằng : nghệ sỹ múa rối là nghệ sỹ mà Vua không biết mặt và Chúa chẳng biết tên...Đây thực sự là một thiệt thòi với họ...nghệ sỹ mà công chúng không nhớ mặt và cũng chẳng biết tên bởi cả cuộc đời làm nghề các nghệ sỹ múa rối chỉ đứng sau tấm mành để thổi hồn vào con rối,làm sao chinh phục được khán giả thông qua con rối vô tri vô giác...chỉ có tài năng và niềm đam mê nghề nghiệp họ mới làm được điều kỳ diệu ấy - những nghệ sỹ có đôi tay biết nói... chính vì vậy sự thiệt thòi ấy không làm họ nản trí, nghệ sỹ múa rối vẫn hăng say sáng tạo nghệ thuật, lòng yêu nghề, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nâng cao chất lượng nghệ thuật để phục vụ công chúng chỉ nhằm một mục đích đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa văn nghệ nước nhà nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng.
Với những thành quả mà nghành rối đã đạt được trong 60 năm qua và đặc biệt là những tình cảm,những cái nắm tay chia sẻ của quý khán giả đã làm tan đi cái rét khi đứng trong nước lạnh để điều khiển con rối nơi trời Tây lạnh giá... những ánh mắt nhìn chia sẻ của bạn nghề khi một nhân vật hoặc một tiết mục nào đó được thăng hoa trên sân khấu trong kỳ hội diễn... hay "khanh khách" nụ cười trong trẻo rạng ngời thơ ngây của trẻ nhỏ khi chúng lạc vào thế giới cổ tích của các nghệ sỹ múa rối mà không muốn về nhà... chỉ từng ấy , từng ấy thôi cũng đủ để nghệ sỹ Múa rối lại tiếp tục cống hiến, đóng góp cho công việc mà họ đang theo đuổi.
NSND Nguyễn Tiến Dũng - PGĐ Nhà hát múa rối Việt Nam